Logo
(+84) 98 2028 888(+84) 98 5555 468
Đặt lịch tư vấn

Gap year: Nên hay Không? (Phần 2)

18th August, 2018

Một số phương thức hỗ trợ sớm
Chúng ta có thể làm gì? May thay, thế hệ trẻ cũng đã bắt đầu tự đưa ra những ý tưởng để giảm áp lực và ngăn chặn tình trạng suy kiệt tinh thần. Trong các bài luận và phỏng vấn, trong những cuộc đối thoại hay buổi tư vấn với sinh viên, và trong các buổi thảo luận với các cựu học sinh, nhiều học sinh hiện nay đã biết nhìn nhận giá trị của việc dành thời gian nghỉ ngơi. Quãng thời gian này rất đa dạng, có thể rất ngắn hay kéo dài tới một năm hoặc hơn. Nó có thể có kế hoạch định sẵn hoặc hoàn toàn không, có thể nhắm tới việc xây dựng sự nghiệp, tới mục đích học thuật, hay hoạt động cá nhân. Quan trọng nhất là nó đóng vai trò của một quãng thời gian để học sinh nhìn lại và hiểu về những giá trị, mục tiêu của bản thân, hoặc để có được những trải nghiệm cuộc sống cần thiết trong một bối cảnh tách biệt khỏi những sức ép và kỳ vọng mà em vẫn quen gánh chịu.
Một số lời khuyên cho học sinh đang học cấp 3
Các gia đình nên nghỉ ngơi một cách đúng nghĩa trong các kỳ nghỉ và cuối tuần, cũng như trong những bữa ăn trong tuần hay các thời gian đệm khác. Bản thân mối quan hệ gia đình ngày nay đã chịu sự giằng xé khá lớn từ những công việc nhiều áp lực của các phụ huynh. Các bậc phụ huynh, trong đó có những người đã lớn lên ngay trong thời kỳ đầu của xu hướng trưởng thành sớm, thường cảm thấy bức xúc vì có quá ít thời gian để toàn tâm dành cho con cái. Hãy trả lại những kỳ nghỉ hè đúng nghĩa. Mùa hè không nhất thiết phải bị nuốt chửng bởi những chương trình gò bó như học hè, du lịch, hay trại hè thể thao. Những hoạt động này có thể rất tốt, nhưng chúng cũng tạo nên sức ép khi quy tụ lại một chỗ quá nhiều những “đứa trẻ đỉnh cao” và từ đó tạo nên những tiêu chuẩn không tưởng giữa bạn bè cùng trang lứa. Những hoạt động mà ở đó học sinh có thể phát triển một cách tự nhiên theo tốc độ của bản thân có thể sẽ có ích và dễ chịu hơn nhiều. Một công việc mùa hè đơn thuần để đối lập với thời gian học chính hoặc để học sinh có thể gặp gỡ những người có nền tảng, tuổi tác, lối sống khác nhau thường có đóng vai trò vô giá trong việc giảm căng thẳng tâm lý và mở ra những triển vọng mới. Các em học sinh cần rất nhiều thời gian để suy ngẫm, tạo dựng (tự tạo dựng nhân cách mà không chịu ảnh hưởng từ sức ép phải thành công), và hồi sức để chuẩn bị cho năm học trước mắt.
Hãy chọn trường cấp 3 hay đại học theo độ phù hợp với bản thân chứ không phải vì danh tiếng. Về lâu dài, một số học sinh sẽ hợp với những ngôi trường có nhịp độ vừa phải hay có những mối quan tâm đối với học thuật hay hoạt động ngoại khoá khác.
Sử dụng thời gian năm lớp 12
Năm cuối của thời gian cấp 3 mang lại nhiều thách thức cũng như cơ hội đặc biệt. Hội đồng về Năm cuối Trung học phổ thông của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ gọi năm lớp 12 là “một tiềm năng bị đánh mất mà chúng ta phải tìm lại.” Trong khi một số học sinh cố gắng tìm cách học cho qua năm này với nỗ lực tối thiểu, những em khác lại trải qua năm khó khăn nhất mà các em từng phải đối mặt, với nhiều lớp học khó, nhiều trách nhiệm lãnh đạo trong các hoạt động ngoại khóa, cộng thêm gánh nặng nộp hồ sơ đại học và dự thi các kỳ thi chuẩn hóa.
Câu chuyện chọn lựa và tìm cách để vào được ngôi trường “đúng” thường là một chủ đề rất căng thẳng. Các em học sinh và gia đình có nhiều cách phản ứng với loại áp lực này, trong đó có rất nhiều người chỉ muốn thời gian tuyển sinh trôi qua càng nhanh càng tốt.
Các vòng tuyển sinh sớm (Early admission) có thể phù hợp với một số học sinh, nhưng nhiều nhà quan sát đã bắt đầu đặt ra câu hỏi rằng liệu có phải đang có quá nhiều học sinh nộp hồ sơ sớm hay không. Họ e ngại rằng các em chưa thực sự dành đủ thời gian và công sức để chọn lựa ngôi trường phù hợp nhất với nguyện vọng học tập, xây dựng sự nghiệp, và hoàn thiện bản thân của mình. Một số người thậm chí còn dùng từ “phát sốt” để miêu tả về việc một số học sinh – có lẽ là do sự áp lực từ phía bạn bè – rất muốn nộp hồ sơ sớm “vào một trường nào đó”, trong khi không xem xét xem đâu là ngôi trường tốt cho mình. Một số em khác đã đi đến kết luận rằng nộp hồ sơ sớm là một luật bất thành văn, một điều phải được thực hiện bất kể hoàn cảnh, nếu không em sẽ tụt lại phía sau.
Chúng tôi đồng ý với những nhà quan sát này rằng các vòng tuyển sinh sớm không phải lúc nào cũng tốt cho học sinh. Hơn thế nữa, khả năng tiếp cận vòng tuyển sinh này là không đồng đều giữa các nhóm học sinh, bởi có sự chênh lệch lớn về mức độ tư vấn học tập cũng như các điều kiện hỗ trợ giữa các khu vực khác nhau tại Mỹ và trên thế giới. Chúng tôi từng bãi bỏ vòng ứng tuyển sớm trong một năm gần đây, một phần chính là để động viên các học sinh sử dụng thời gian học cấp 3 một cách hiệu quả nhất có thể. Khi tập trung vào những cơ hội ngay trước mắt trong thời kỳ cấp 3 thay vì việc nộp hồ sơ “sớm” vào đại học, các em sẽ tránh được những nhược điểm lớn nhất của quá trình nộp hồ sơ vội vã – những điều thường khiến học sinh căng thẳng. Hiện tại,chúng tôi đã khôi phục lại vòng tuyển sinh sớm thể theo nguyện vọng rất lớn từ bên ngoài, đồng thời đã có những thay đổi để những học sinh có xuất thân khó khăn có thể ứng tuyển sớm. Tuy vậy, chúng tôi mong rằng tất cả các học sinh sẽ suy nghĩ kỹ khi ứng tuyển vòng này và chỉ làm vậy nếu phù hợp với nhu cầu của bản thân.
Một số trường trung học phổ thông hỗ trợ học sinh lớp 12 trong quá trình chuyển tiếp lên đại học bằng cách cho phép các em học nhẹ hơn, cũng như cho các em dành thời gian cho các hoạt động khác như phục vụ cộng đồng, nghiên cứu, hay thực tập để có thể tìm hiểu các ngành nghề.
Các trường đại học cũng có thể tự giúp mình và các học sinh tiềm năng của mình bằng cách tuyên bố (và thể hiện rõ) rằng họ không đánh giá học sinh chỉ bằng số lớp học AP hay các loại lớp học nâng cao khác mà các em học trong năm lớp 12. Một trường hợp ví dụ là các học sinh có thế mạnh về khoa học xã hội và nhân văn thường nghĩ rằng các trường đại học mong các em học lớp giải tích, trong khi các em có thể sẽ hợp với lớp đại số, thống kê, hay một lớp ngoại ngữ khác. Cho dù chọn theo đuổi con đường nào, những học sinh tìm được cách giảm thiểu căng thẳng và tận dụng được năm lớp 12 đều trở thành những tân sinh viên có nền tảng sẵn sàng hơn để tận dụng năm học đầu tiên tại bậc đại học.
Dành thời gian nghỉ ngơi trước hay trong khi học đại học
Có lẽ cách tốt nhất để nhận được tất cả những ích lợi từ một “quãng nghỉ” là lùi thời gian nhập học đại học lại một năm. Harvard đã tiến cử lựa chọn này với học sinh trong hơn bốn thập kỷ qua, thậm chí viết rõ ràng ngay trong lá thư báo trúng tuyển. Hiện nay, hơn một trăm học sinh chọn lùi ngày nhập học mỗi mùa tuyển sinh.
Kết quả nhìn chung đều khả quan. The Crimson, thời báo sinh viên của Harvard, đã viết vào ngày 5/19/2000 rằng các học sinh chọn nhập học muộn một năm cảm thấy trải nghiệm của mình “đáng giá đến mức các em khuyên tất cả các học sinh Harvard nên xem xét làm theo.” Tỉ lệ tốt nghiệp 97% của Harvard thuộc vào nhóm cao nhất trên cả nước, có lẽ một phần là nhờ rất nhiều học sinh đã dành thời gian để nghỉ ngơi. Khi thấy phần lớn các bạn bè của mình tại Harvard học liên tục 8 học kỳ, một học sinh đã phải “tự hỏi không biết các bạn có lúc nào để thở nữa hay không.”
Trong năm nghỉ học, học sinh nói trên đã đi tour Nam Mỹ cùng một đoàn trượt băng và sau đó tới Nga. Một học sinh khác được phỏng vấn cho bài báo thì làm việc cho một doanh nghiệp điện tử (số nhân viên của công ty này đã tăng từ 10 lên 100 trong năm đó) sau đó du lịch bụi quanh châu Âu trong 6 tháng.
Một số lựa chọn cho năm nghỉ
Một số hoạt động mà các học sinh từ một khóa tuyển sinh gần đây đã theo đuổi bao gồm: đóng kịch, trượt băng nghệ thuật, chăm sóc sức khỏe, khảo cổ, tham gia công xã kibbutz, nghiên cứu ngôn ngữ học, nghiên cứu khoáng vật, truyền đạo, hoạt động âm nhạc, tham gia các nhóm hoạt động phi lợi nhuận, các chương trình chăm sóc trẻ em, các cuộc vận động chính trị, tái thiết các trường học, thiện nguyện cho người có nhu cầu đặc biệt, chơi thể thao, chơi trống thép, kể chuyện, nhảy swing, học một số lớp đại học, viết, v.v. Các em đã tới những nơi sau trong năm nghỉ của mình: Belize, Brazil, Trung Quốc, Costa Rica, Đan Mạch, Ecuador, Pháp, Đức, Guatemala, Honduras, Ấn Độ, Ireland, Israel, Ý, Mông Cổ, Nepal, Philippines, Scandinavia, Scotland, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Đài Loan, Thái Lan, Uruguay, Mỹ, và Zimbabwe.
Nhiều học sinh chia năm này thành nhiều giai đoạn dành cho làm việc, du lịch, và học tập. Không phải học sinh nào cũng có điều kiện để đi du lịch hay tham gia các hoạt động mới lạ. Một số em tham gia quân đội hay phục vụ trong các chương trình quân sự quốc gia hoặc quốc tế khác. Một số em ở nhà làm việc, đi học bán thời gian, thực tập, và vẫn có thể gian để đọc những cuốn sách trước đó mình chưa có thời gian đọc hoặc bắt đầu viết “cuốn sách để đời” của mình. Một số học sinh đã có cơ hội bồi đắp những mối quan hệ gần gũi hơn với bố mẹ hay ông bà, điều mà có thể các em đã để lỡ khi bị cuốn vào vòng quay gấp gáp của những năm cấp 3.
Các học sinh chọn nghỉ một năm trước khi đến Harvard đang làm những điều mà các học sinh ở Anh làm trong năm được gọi là “gap-year” của các em. Một số quốc gia khác có yêu cầu về nghĩa vụ quân sự kéo dài một số quãng thời gian khác nhau. Bất kể lý do lùi nhập học là gì hay hoạt động trong thời gian đó cụ thể là như thế nào, học sinh nói chung đều hết lời đề cao quãng thời gian này. Nhiều em miêu tả đây là những trải nghiệm “thay đổi cuộc đời”, một “bước ngoặt”; phần lớn các em đều cảm thấy giá trị của nó là không thể đo đếm được và sẽ để lại dấu ấn trong suốt cuộc đời các em. Nhiều em bước vào đại học với những mục tiêu mới cho kế hoạch học tập của mình, cho các hoạt động ngoại khóa, cho những giá trị vô hình mà em mong sẽ có được khi học đại học, cũng như với những cơ hội nghề nghiệp mới mà các em đã quan sát thấy trong thời gian ở ngoài môi trường học tập. Gần như tất cả các em đều mong muốn được thực hiện điều này một lần nữa.
Tuy vậy, học sinh và phụ huynh có thể cảm thấy tương đối hoang mang đối với việc lùi thời gian nhập học. Các em học sinh thường muốn giống như bạn bè, đi theo những con đường an toàn và quen thuộc hơn với mình. Các phụ huynh sợ con sẽ sao nhãng rồi sau đó không học đại học nữa. Cả học sinh và cha mẹ đều sợ rằng việc tạm dừng này sẽ khiến học sinh “tụt hậu” hoặc thôi chụt về năng lực một cách không cứu vãn nổi. Nỗi sợ này không có mấy cơ sở. Các giáo viên phụ trách trong cấp 3, những người làm công tác quản lý tại bậc đại học, và những người làm việc với học sinh trong thời gian nghỉ ngơi sẽ giúp mang lại sự an tâm rằng lợi ích vượt xa nguy cơ trong tình huống này.
Đôi khi có những học sinh được nhận học vào Harvard hay các trường đại học vì các em đã có thành tựu đặc biệt trong năm nghỉ của mình. Điều này không có nghĩa rằng học sinh nên nghỉ học một năm chỉ để ứng tuyển vào một trường đại học nhất định nào đó, nhưng về mặt khác, việc lùi thời gian ứng tuyển gần như không bao giờ ảnh hưởng tới khả năng trúng tuyển hay mức độ sẵn sàng cho bậc đại học của các em.
Hướng tới sự cân bằng
Tuy trọng tâm của bài viết này là những phương thức giải tỏa căng thẳng cho thế hệ trẻ đầy quyết tâm của ngày hôm nay, chúng ta cũng nên nhìn nhận rằng rất nhiều học sinh đang thích nghi tốt với áp lực, thậm chí là phát triển tốt hơn trong áp lực. Chúng ta đang sống trong một thời đại vượt trội, với những cơ hội mà các thế hệ trước (và học sinh từ các quốc gia khác) không thể ngờ tới. Các trường đại học đang nỗ lực tiếp cận học sinh tài năng với mọi xuất phát điểm kinh tế. Các gói hỗ trợ tài chính đang giúp hiện thực hóa việc học đại học cho các học sinh xuất sắc ở một mức độ chưa từng có. Tỉ lệ tốt nghiệp ở các trường đại học hàng đầu nước Mỹ tiếp tục giữ ở mức cao và học sinh cảm thấy hài lòng với trải nghiệm đại học của mình.
Chúng ta cần nhớ rằng trên thế giới, giáo dục sau phổ thông là một đặc quyền của những người may mắn. Những người trẻ may mắn ấy có trách nhiệm sử dụng khả năng của mình để mở rộng hơn cánh cửa cơ hội cho các thế hệ đi sau. Các cựu sinh viên Harvard có thể đang thành công khi đối mặt với những thách thức lớn họ gặp phải sau khi tốt nghiệp, nhưng họ cũng là lời nhắc rằng sự cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu hiện đại đòi hỏi rất cao ở tất cả mọi người. Họ (và cả chúng tôi) đều không có ý khuyên học sinh sao nhãng học tập hay bớt nỗ lực hơn. Những học sinh mới tốt nghiệp đều khuyên các học sinh cấp 3 và đại học phải chuẩn bị bản thân về mặt tinh thần song song với mặt học thuật.
Nên nhắc tới một điểm rằng những thành tựu vượt trội không bao giờ có thể đạt được thông qua việc bắt chước thành công của một người khác, mà phải thông qua một tổ hợp không thể đo đếm của (a) theo đuổi con đường độc đáo của riêng mình và (b) tình cờ – có thể là vô chủ đích – làm một điều gì đó đánh trúng vào tâm lý thời đại theo cách mới và bất ngờ. Những tấm gương mà các phụ huynh thường muốn con mình học hỏi thực ra đã sử dụng tài năng nội tại của mình để tạo nên một sản phẩm/hình ảnh mà công chúng rất cần, hoặc bắt trúng nhịp phát triển mạnh mẽ vào một thời điểm nào đó, hoặc tốt nhất là có cả hai.
Tuy thành tựu của những người này trở thành thước đo để mọi người hướng tới, không ai có thể bắt chước những thành tựu đó bởi bản chất của chúng là duy nhất. Vấn đề nảy sinh khi các phụ huynh có ý tốt cho con nhưng lại hiểu lầm về cách thức và tìm cách ép con vào một khuôn mẫu thành công mà họ coi trọng. Về phía mình, trẻ em thường nghe lời bố mẹ và chiều ý gia đình, chấp nhận làm theo những điều mà các em chưa đủ độ trưởng thành để tự quyết. Điều nghịch lý là thành công chỉ đến khi một người là chính mình, khi họ thành công trong lĩnh vực và mục tiêu họ tự định ra cho bản thân.
Những áp lực đặt lên trẻ em ngày nay có lẽ đã dẫn đến hậu quả không lường trước là ngăn cản các em tìm hiểu bản thân và thành công theo cách của mình. Chúng ta đều có quyền ngưỡng mộ những thành quả âm nhạc của Yo-Yo Ma, đồng thời có quyền có những thành công nhỏ của bản thân trong lĩnh vực mình chọn: tìm thấy những chiếc xương linh trưởng và thay đổi quan niệm trong ngành sinh vật học, hay viết một giai điệu smooth jazz, hay nghiên cứu sự phát triển và suy tàn của các dòng tộc Roman. Phụ huynh và học sinh đều được lợi khi định nghĩa thành công bằng sự thỏa mãn về mục tiêu cuộc sống của học sinh, ngay cả khi những mục tiêu ấy có thể chưa được định hình. Suy kiệt về tâm sức là một hậu quả không thể tránh khỏi của việc cố gắng sống theo những mục tiêu xa lạ với bản thân. Nghỉ ngơi có thể giúp các em khám phá đam mê của mình.
Sự thực là lớn lên trong thời đại ngày nay là một trải nghiệm rất khác so với những thời kỳ trước. Một số học sinh và gia đình đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhịp sống hối hả, trong khi những gia đình khác tạm thời thích nghi được nhưng cũng không thể tận hưởng cuộc sống như mong muốn. Kể cả những người hết sức thành công, những “chiến binh vui vẻ” trong bối cảnh cạnh tranh khủng khiếp ngày nay, cũng có nguy cơ để vuột mất phần nào khía cạnh con người của mình khi cố gắng chạm tới những mục tiêu ngày một thiếu thực tế.
Một tin tốt là thế hệ học sinh đang tự đưa ra những lời khuyên có ích về cách đối mặt với thách thức. Một phần vì đã phải đấu tranh từ những giai đoạn đầu của cuộc đời, thế hệ này nhìn chung có cái nhìn trưởng thành hơn, tinh tế hơn, và những thành phần xuất sắc nhất có thể thích ứng với những yêu cầu của cuộc sống thế kỷ 21. Các em đã phải học từ lúc còn nhỏ về cách đối mặt với cả thành công lẫn thất bại, cũng như với những áp lực lớn từ phía bố mẹ và bạn bè. Tuy thế, rất nhiều người trẻ sẽ rất được lợi nếu có một khoảng lặng trong cuộc sống hối hả của mình. Hãy cùng mong rằng sẽ có nhiều học sinh dành thời gian nghỉ ngơi hơn trước khi sự suy kiệt trở thành một đặc trưng của thế hệ này.
Theo Harvard

Đăng ký nhận tin

Liên hệ

Tầng 16, Tòa nhà 54A Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

(+84) 98 2028 888

(+84) 98 5555 468

info@apusvietnam.com

© 2015 APUS Vietnam. All right reserved

FaceBookFaceBookYouTubeInstagramTikTokZalo
Đặt lịch tư vấn