Logo
(+84) 98 2028 888(+84) 98 5555 468
Đặt lịch tư vấn

Góc Khuất Ít Người Biết Trong Tuyển Sinh Đại Học Tại Mỹ

18th February, 2025

Trong gần hai thập kỷ, sự đa dạng kinh tế tại các trường đại học danh tiếng luôn là một vấn đề được tranh luận. Những ngôi trường này, với sứ mệnh tìm kiếm nhân tài và phát triển xã hội, lại thường vấp phải chỉ trích rằng họ chưa thực sự tạo đủ cơ hội cho học sinh đến từ các gia đình có thu nhập thấp hoặc trung bình. Dù các trường đại học danh tiếng được coi là nơi dành cho những học sinh xuất sắc nhất, góc khuất trong cách thức tuyển sinh vẫn khiến nhiều học sinh có tiềm năng từ các gia đình khó khăn phải đứng ngoài cuộc chơi.

Nghiên cứu mới của Raj Chetty và David Deming (Harvard) cùng John Friedman (Brown) cho thấy rằng những học sinh trung học có năng lực cao nhất của nước Mỹ thực sự có tỷ lệ giàu có cao hơn đáng kể.

Khoảng 7% số học sinh xuất sắc nhất cả nước đến từ nhóm 1% thu nhập cao nhất. Những học sinh này thường đạt ít nhất 1500 điểm SAT (hoặc 35 điểm ACT), đạt điểm cao trong các bài kiểm tra Advanced Placement (AP), có gần như toàn bộ điểm A trong các môn học trung học, và thường xuất sắc trong các hội chợ khoa học hoặc các cuộc thi khác.

Một phát hiện đáng ngạc nhiên liên quan đến nhóm sinh viên có truyền thống gia đình theo học cùng một trường đại học (legacy students). Tại các trường đại học danh giá được nghiên cứu, sinh viên thuộc nhóm này có thành tích học tập trung bình cao hơn so với sinh viên không thuộc nhóm này. Tương tự, học sinh tốt nghiệp từ các trường tư thục có hồ sơ học tập mạnh hơn so với học sinh từ trường công lập hoặc trường Công giáo.

Tuy nhiên, vấn đề chính ở đây là phần lớn các trường này không chỉ tuyển chọn những học sinh giàu có có năng lực vượt trội mà còn chấp nhận rất nhiều sinh viên có thu nhập cao khác.

Như đã đề cập ở trên, 7% số học sinh xuất sắc nhất cả nước đến từ 1% nhóm thu nhập cao nhất. Nhưng tại các trường đại học danh giá, tỷ lệ sinh viên đến từ nhóm thu nhập này lại lên tới 16%. 

Học sinh giàu có chiếm tỷ lệ cao hơn trong nhóm học sinh giỏi nhất nước Mỹ – nhưng các trường vẫn tuyển sinh nhiều sinh viên giàu có hơn so với tiêu chí học thuật đơn thuần. Lợi thế lớn nhất vẫn thuộc về những sinh viên đến từ các gia đình giàu có nhất.

Biểu đồ tỷ lệ trúng tuyển vào các trường đại học danh giá đối với sinh viên có cùng điểm thi:

Biểu đồ này minh họa tỷ lệ trúng tuyển vào các trường đại học danh giá đối với sinh viên có cùng điểm số bài thi đầu vào, được phân tích theo thu nhập của phụ huynh.

Từ biểu đồ, chúng ta có thể thấy rằng:

– Những sinh viên thuộc nhóm thu nhập thấp hơn (10th – 50th) có tỷ lệ trúng tuyển dao động quanh mức trung bình hoặc thấp hơn chút ít

– Những sinh viên thuộc nhóm thu nhập trung bình khá đến cao (50th – 90th) có tỷ lệ trúng tuyển thấp hơn mức trung bình. 

– Tuy nhiên, những sinh viên đến từ nhóm thu nhập cao nhất (top 0.1%) lại có tỷ lệ trúng tuyển cao vượt trội – cao hơn 2.2 lần so với mức trung bình, dù có cùng điểm số với những sinh viên khác.

Như vậy, có thể kết luận rằng sinh viên đến từ các gia đình siêu giàu có lợi thế trúng tuyển rõ rệt vào các trường đại học danh giá, ngay cả khi điểm số bài thi đầu vào của họ giống với các sinh viên khác. Sự chênh lệch này đặc biệt rõ rệt ở nhóm thu nhập cao nhất (top 0.1%) – cho thấy vai trò của địa vị kinh tế trong quá trình tuyển sinh vẫn rất lớn, ngay cả ở các trường nổi tiếng là dựa vào thành tích học tập.

Những lợi thế ngầm cho học sinh giàu có

Kết quả nghiên cứu của Chetty, Deming và Friedman đã chỉ ra ba lý do chính dẫn đến hiện tượng sinh viên giàu có chiếm ưu thế:

1. Lợi thế từ truyền thống gia đình (Legacy)

Là con em của cựu sinh viên mang lại một lợi thế lớn khi xét tuyển vào các trường đại học danh tiếng. Hằng năm, những ngôi trường này nhận vô số hồ sơ xuất sắc, và khi các ứng viên có thành tích ngang nhau, yếu tố “legacy” (truyền thống gia đình) có thể trở thành yếu tố quyết định. Thực tế, khoảng một nửa số sinh viên thuộc diện này có thể đã không đậu nếu không nhờ vào sự ưu tiên đặc biệt này.

2. Lợi thế từ trường tư thục hàng đầu

Những trường tư thục danh tiếng như Andover, Brentwood hay Dalton không chỉ dạy tốt mà còn giúp học sinh có bộ hồ sơ đẹp khi ứng tuyển đại học. Từ thư giới thiệu chất lượng, hỗ trợ chỉnh sửa bài luận đến các định hướng chiến lược, những trường này giúp học sinh có cơ hội đậu cao hơn so với những gì điểm số hay năng lực thực tế thể hiện.

3. Ưu tiên dành cho vận động viên được tuyển chọn

Những sinh viên được tuyển nhờ thể thao thường không cần đạt yêu cầu học tập cao như các ứng viên khác – và phần lớn đến từ gia đình khá giả. Điều này không chỉ đúng với các môn thể thao “quý tộc” như golf, đấu kiếm, squash hay chèo thuyền, mà còn là xu hướng chung. Ngày nay, chi phí để theo đuổi thể thao ngày càng đắt đỏ, khiến các đội tuyển đại học chủ yếu tuyển học sinh từ các gia đình có điều kiện.

Biểu đồ tỷ lệ sinh viên trúng tuyển theo diện vận động viên được tuyển chọn:

Biểu đồ trên thể hiện tỷ lệ sinh viên được tuyển dưới dạng vận động viên (recruited athletes) tại các trường đại học, so sánh giữa các trường danh giá (elite colleges) và các trường đại học công lập hàng đầu (flagship public universities), theo thu nhập của phụ huynh.

Từ biểu đồ, chúng ta có thể thấy rằng:

– Tỷ lệ sinh viên là vận động viên tăng dần theo thu nhập của phụ huynh. Sinh viên đến từ các gia đình giàu có có khả năng trở thành vận động viên được tuyển chọn cao hơn đáng kể. Tỷ lệ này vượt quá 10% ở nhóm có thu nhập cao nhất (trong nhóm top 0.1%).

– Tại các trường đại học công lập hàng đầu (đường màu xám): Tỷ lệ sinh viên vận động viên khá thấp và ổn định, dao động nhẹ quanh mức dưới 5%, không có sự chênh lệch lớn giữa các nhóm thu nhập.

Qua đây, chúng ta có thể tạm kết luận rằng tại phần lớn các vận động viên được tuyển vào các trường Đại học danh giá đều xuất thân từ các gia đình có điều kiện, đặc biệt là các bộ môn thể thao đòi hỏi chi phí huấn luyện và thi đấu cao như golf, đấu kiếm, chèo thuyền, khúc côn cầu, v.v.. Ngược lại, ở các trường công lập, các nhóm thí sinh được tuyển tham gia các môn thể thao mang tính đại chúng hơn, không có sự thiên lệch rõ rệt theo thu nhập.

Những lợi thế kể trên khiến học sinh từ gia đình khó khăn chịu nhiều thiệt thòi. Dù có năng lực xuất sắc, các em thường thiếu sự hỗ trợ từ trường học, không có điều kiện tham gia các chương trình nâng cao kỹ năng hay xây dựng hồ sơ nộp Đại học bài bản. Bên cạnh đó, sự thiếu công bằng trong tuyển sinh khiến các em không chỉ bị cạnh tranh bởi các bạn giàu có mà còn bởi các chính sách ưu tiên không cần thiết.

Làm thế nào để đảm bảo công bằng trong tuyển sinh?

1. Loại bỏ ưu tiên cho con cháu của cựu sinh viên (legacy):

Các trường nên đánh giá học sinh dựa trên năng lực thực sự thay vì dựa vào việc cha mẹ họ từng học tại trường. 

Trong những năm gần đây, một số trường đại học như Johns Hopkins, MIT, Pomona College, Wesleyan University và hệ thống Đại học California tuyên bố loại bỏ hoặc điều chỉnh chính sách ưu tiên con cháu của cựu sinh viên trong những năm gần đây. Các trường này nhằm đảm bảo tuyển sinh công bằng, tập trung vào năng lực học sinh và mở rộng cơ hội cho tất cả ứng viên. Quyết định này phản ánh xu hướng giảm bớt sự ưu tiên di sản gia đình trong quá trình tuyển sinh.

2. Hỗ trợ các học sinh theo học trường công lập:

Các trường tư thục danh tiếng như Andover, Exeter hay Dalton nổi tiếng với việc “đánh bóng” hồ sơ cho học sinh thông qua những lá thư giới thiệu xuất sắc, các khóa luyện thi SAT đắt đỏ và dịch vụ chỉnh sửa bài luận chuyên nghiệp. Ngược lại, học sinh từ các trường công lập hoặc những khu vực có điều kiện kinh tế hạn chế thường không có những đặc quyền đó, dù năng lực học tập có thể ngang bằng, thậm chí vượt trội.

Để đảm bảo cơ hội công bằng, các trường đại học có thể:

– Triển khai các chương trình tiếp cận sớm, cung cấp thông tin và hướng dẫn ứng tuyển dành riêng cho học sinh trường công.

– Mở rộng chính sách miễn giảm lệ phí nộp hồ sơ và đơn giản hóa thủ tục xin hỗ trợ tài chính.

– Hợp tác với các trường trung học công lập, tổ chức hội thảo, tư vấn trực tiếp để giúp học sinh hiểu rõ quy trình tuyển sinh và chuẩn bị tốt hơn.

3. Điều chỉnh chính sách thể thao:

Thể thao cũng là một con đường giúp học sinh trúng tuyển vào các trường đại học danh giá. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng những môn thể thao như golf, đấu kiếm, cưỡi ngựa, chèo thuyền, hay khúc côn cầu trên băng thường là sân chơi dành cho con em các gia đình giàu có, bởi chi phí tập luyện và thi đấu quá cao. Điều này khiến học sinh từ các gia đình trung lưu và thu nhập thấp bị gạt ra ngoài cuộc đua ngay từ vạch xuất phát.

Để giảm thiểu bất bình đẳng này, các trường có thể:

– Đa dạng hóa các môn thể thao trong tuyển dụng vận động viên, bao gồm cả những môn phổ biến, ít tốn kém hơn như bóng đá, bóng rổ, điền kinh.

– Giảm bớt chỉ tiêu tuyển sinh ưu tiên cho vận động viên ở những môn thể thao đắt đỏ, chuyển cơ hội đó sang học sinh có thành tích học tập tốt.

– Tăng cường phát hiện và hỗ trợ tài năng thể thao từ các trường công lập và khu vực có thu nhập thấp.

Kết luận

Việc xây dựng một quy trình tuyển sinh công bằng không chỉ là câu chuyện về việc sửa đổi chính sách, mà còn là cam kết tạo điều kiện để mọi học sinh, bất kể xuất thân từ đâu, đều có cơ hội chứng tỏ bản thân. Những cải cách như loại bỏ ưu tiên legacy, hỗ trợ mạnh hơn cho học sinh trường công lập, và điều chỉnh tiêu chí tuyển dụng vận động viên là các bước quan trọng để đảm bảo rằng cánh cửa vào các trường đại học hàng đầu sẽ mở rộng hơn với tất cả những ai xứng đáng.

Đăng ký nhận tin

Liên hệ

Tầng 16, Tòa nhà 54A Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

(+84) 98 2028 888

(+84) 98 5555 468

info@apusvietnam.com

© 2015 APUS Vietnam. All right reserved

FaceBookFaceBookYouTubeInstagramTikTokZalo
Đặt lịch tư vấn