Hiểu về chương trình THPT Quốc tế A Level

A Level là một trong ba hệ thống giáo dục phổ thông quốc tế phổ biến nhất giúp các bạn học sinh có cơ hội tiếp cận môi trường học tập và làm việc trong môi trường toàn cầu, cùng với chương trình IB Diploma và AP. Vậy A Level là gì? Điều kiện đầu vào, cấu trúc chương trình, lợi thế khi học chương trình này như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của APUS.

1. A Level là gì?

A-Level, Advanced Level, hay cụ thể hơn là GCEA level – viết tắt của General Certificate of Education Advanced Level (Chứng chỉ Giáo dục Phổ thông Bậc Cao). Đây là một chứng chỉ được cấp bởi các trường tại Anh, Xứ Wales, và Bắc Ireland cho học sinh khoảng 16 – 19 tuổi trước khi thi vào đại học. A level được xem như tiêu chuẩn vàng, được sử dụng bởi các trường đại học tại Anh nói riêng và quốc tế nói chung trong việc tìm kiếm và lọc ứng viên sáng giá.

2. Điều kiện đầu vào

Một số điều kiện đầu vào cho học sinh Việt Nam:

– Học sinh hoàn thành chương trình lớp 10 và trên 16 tuổi

– Có kết quả học tập tốt, thông thường điểm tổng kết từ 7.0 trở lên

– Có tối thiểu IELTS 5.5 hoặc tương đương

3. Cấu trúc chương trình

Các khóa học A Level kéo dài 2 năm, năm đầu tiên được gọi là khóa hỗ trợ nâng cao (Advanced Subsidiary – AS, hay năm A1), và năm cuối được gọi là năm học A2. Học sinh có thể lựa chọn học và lấy riêng chứng chỉ AS level trong 1 năm hoặc theo đuổi lộ trình 2 năm. Nếu bạn lựa chọn học tiếp A2, kết quả của kì thi AS trong năm học thứ nhất sẽ không ảnh hưởng đến kết quả A Level của bạn, mà phụ thuộc vào kì thi cuối cấp diễn ra vào cuối năm 2.

Một điểm đặc biệt của chương trình A Level là bạn không học một chương trình giáo dục phổ cập có sẵn mà sẽ tự chọn môn học và lộ trình. Có 55 môn học có chứng chỉ A Level, tuy nhiên mỗi trường sẽ có danh sách các môn học khác nhau. Không có giới hạn tối đa các môn học được chọn trong chương trình A Level, thông thường học sinh chọn từ 3 – 5 môn để học và thi trong 2 năm.

Giáo trình A Level quốc tế được thiết kế bởi Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge, tuy vậy, giáo viên có thể thiết kế cách dạy riêng cho từng môn.

4. Làm thế nào để lựa chọn các môn học A Level?

Bên cạnh những môn đại cương, học sinh cần phải học ít nhất 3 môn học A level. Chọn đúng môn học là một bước đi vô cùng quan trọng, bởi nếu đạt điểm số cao ở các môn liên quan đến chuyên ngành đại học, bạn sẽ rất có lợi thế trong quá trình xét duyệt hồ sơ vào Đại học. Lưu ý là sẽ tốt hơn cho học sinh nếu chỉ đăng ký 3 môn học và đạt kết quả cao ở cả ba, hơn là học nhiều môn học nhưng đạt kết quả không tốt. Học sinh cũng nên chắc rằng các môn học được lựa chọn không quá giống nhau. Dưới đây là 3 yếu tố bạn nên cân nhắc trước khi quyết định lựa chọn các môn học A Level:

– Nếu bạn có niềm yêu thích hay có năng khiếu trong một lĩnh vực nào đó, khả năng cao là bạn sẽ học tốt môn học liên quan.

– Nếu bạn đã xác định được ngành học muốn theo đuổi, hãy chọn các môn bổ trợ cho chương trình đại học sau này.

– Nếu chuyên ngành tương lai của bạn vẫn còn là ẩn số, bạn nên chọn ít nhất 2 môn học “điều kiện” (facilitating subjects) – bao gồm (nhưng không giới hạn) các môn Toán, Lý, Sinh, Hóa, Lịch sử, Địa lý, Văn học Anh, Ngôn ngữ học. Đây là những môn học hay được trường đại học yêu cầu như một phần của điều kiện đầu vào và cũng là cách để bạn có nhiều lựa chọn hơn khi chọn ngành.

5. Điều kiện tốt nghiệp

Học sinh có thể kết thúc khóa vào cuối năm AS và nhận chứng chỉ A1. Để nhận đƣợc chứng chỉ A Level, học sinh cần phải thi kì thi A Level, với điểm số từ E đến A*.

Grade A-level AS level
A* 140 n/a
A 120 60
B 100 50
C 80 40
D 60 30
E 40 20

Hội đồng chấm thi sử dụng hệ thống thang điểm thống nhất (Uniform Marking scheme – UMS) bao gồm 2 loại điểm là điểm bài thi thực tế của bạn và điểm UMS nhằm đảm bảo công bằng về mặt điểm số nếu xảy ra trường hợp đề thi các năm có sự chênh lệch về độ khó. Cụ thể, điểm A Level dao động từ A* (A-star) tới E. A* được trao cho các ứng viên đạt 80% điểm A trở lên theo thang điểm thống nhất (UMS) hoặc ít nhất 90% điểm A các môn học A2 Level. AS Level không có điểm A*. Khi đăng ký vào một trường đại học, bạn cần đạt mức điểm A Level tối thiểu ở một số môn học cụ thể, thường là A và B hoặc điểm UCAS tương đương.

Đối với A Level, cấu trúc đề thi sẽ khác nhau tùy vào môn học. Với các môn như Toán, Anh Văn, và Lịch sử, đề thi sẽ gồm nhiều câu tự luận trong khi các môn như Vật Lý và Hóa Học thì sẽ có nhiều câu hỏi trắc nghiệm hơn.

6. Lợi thế khi theo học chương trình A Level

Chương trình A Level sẽ mở rộng “cánh cửa” cơ hội học tập tại các trường đại học top đầu Anh Quốc như Cambridge, Oxford. Những chuyên ngành đặc thù như Y, Luật, Kỹ sư cũng thường yêu cầu sinh viên phải sở hữu chứng chỉ A Level.

Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ có cơ hội quen với môi trường học thuật hoàn toàn bằng tiếng Anh và được thực hành các kỹ năng hữu ích cho việc học đại học như phân tích thông tin, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm… Thêm vào đó, việc đổi môn học trong chương trình A Level tương đối đơn giản so với đổi chuyên ngành khi đã lên đại học. Đây chính là cơ hội tốt để bạn tiếp cận và tìm hiểu các ngành học khác nhau, hỗ trợ bạn định hình rõ hơn con đường sự nghiệp trong tương lai.

Ngoài ra, với chương trình A level, bạn có thể đi học ngay khi hoàn tất lớp 10 thay vì phải chờ đủ 17 hoặc 18 tuổi để đăng ký vào một chương trình dự bị đại học.