Liberal Arts[1], các ngành học khai phóng, có nguồn gốc từ tiếng Latin, liberales artes, trong đó, từ liberals mang nghĩa phù hợp với một người tự do, và không phù hợp cho nô lệ. Liberal arts từ đó được hiểu là các môn học dành cho một người tự do.
Thật ra những ngành học này phù hợp hoặc không phù hợp với đối tượng nào cũng khó nói, vì suy cho cùng ở thời đại đó, nô lệ không được, và không có điều kiện, đến trường hay tiếp thu kiến thức dưới bất cứ hình thức nào.
Trong số rất nhiều mảng kiến thức ngày xưa, 07 ngành chính được chọn ra làm liberal arts [2], đó là: ngữ pháp (grammar), hùng biện (rhetoric), logic, số học (arithmetic), hình học (geometry), thiên văn học (astronomy), và âm nhạc (music).
Những ngành học này được đưa vào giảng dạy ở các trường đại học đầu tiên ở châu Âu khoảng thế kỷ 11, và sau nhiều năm phát triển, chúng trở thành các môn học cơ cán ở Đại học Cambridge, Oxford, và Paris. Tựu trung lại, đại học khai phóng dạy người ta hiểu rõ hơn về xã hội con người, đồng thời cũng dần dà bổ sung thêm kiến thức khoa học để dạy con người hiểu về những khái niệm trừu tượng (toán học, vật lí, v.v.). Mục đính chính nhất của giáo dục khai phóng là dạy một cái đầu biết suy nghĩ, và cung cấp nguồn kiến thức cần thiết cho những tư duy đó.
Khoảng cuối thế kỉ 19, nhiều học giả vốn trung thành với một nền giáo dục khai phóng cũng phải thốt lên rằng liberal arts college thuần tuý sẽ không thể nào thay thế được cho một mô hình đào tạo hoàn chỉnh hơn (university). Rất nhiều đại học, ngoại trừ những trường top đầu như Harvard, rục rịch du nhập các ngành học đào tạo chuyên nghiệp, nhằm cung cấp nhân lực cho xã hội, đồng thời cũng để làm hài lòng khách hàng: sinh viên và phụ huynh, những người vô cùng nhạy bén với thời cuộc.
Sau nhiều thay đổi, thích ứng, dung hợp, va chạm Đông – Tây thông qua các dịch chuyển xã hội và làn sóng du học (sinh viên từ các nước châu Á sang châu Âu học tập và trở về), đại học khai phóng dần được lan rộng từ Tây bán cầu sang châu Á vào những năm 80.
Giờ đây, giáo dục khai phóng được ngầm hiểu là một nơi đào tạo các môn học cơ bản, để người học đạt được sự am tường nhất định về cả thế giới tự nhiên lẫn xã hội xung quanh.
Chú thích:
[1] Arts ở đây không có nghĩa là nghệ thuật mà là các môn học nghiên cứu trực tiếp về sự sáng tạo và xã hội con người.
[2] Điều đó đồng nghĩa với việc có những ngành học bị loại ra khỏi danh sách này và không được xem là liberal arts. Lý do vì sao 07 ngành này được chọn vẫn hết sức võ đoán.
Qua thời gian, từ 07 ngành cơ bản ban đầu (nêu ở phần trên), các nhóm ngành được dạy tại các trường đại học khai phóng đã được tăng lên về số lượng ngành khai phóng (bảng 1) và mở rộng ra cả những ngành đào tạo đặc thù (bảng 2). Đây là hai danh sách được lập bởi viện Phát triển sư phạm Carnegie Foundation vào thập niên 70.
Việc chọn lọc và dạy học những môn học nào phụ thuộc rất nhiều vào triết lý giáo dục của từng trường và bối cảnh xã hội. Khi xã hội thay đổi không ngừng, việc trang bị cho sinh viên không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn cả cách tư duy và các kỹ năng nghề nghiệp cũng được chú trọng. Do đó, phần lớn các trường đại học khai phóng hiện nay đang dạy cả những ngành đặc thù lẫn khai phóng. Hai ví dụ điển hình là các trường đại học khai phóng nghiêng về xã hội nhân văn nổi tiếng như Swarthmore hoặc Smith cũng đều có nhóm ngành Kỹ thuật chuyên nghiệp.
Vậy rồi, học theo hướng giáo dục khai phóng có “dễ thở” hơn các ngành chuyên môn đặc thù?
Mô hình dạy học theo hướng giáo dục khai phóng tuy đa dạng nhưng vẫn có những điểm chung rất điển hình. Trong bài này, khóa Khoa học Chính trị (Political Science) của Đại học Truman State (Hoa Kỳ) được sử dụng để minh họa cho cách dạy học của giáo dục đại học khai phóng.
Trong khóa này, sinh viên được quyền chọn một số môn tự chọn nhưng vẫn phải học các môn bắt buộc, kèm theo đó là những kỹ năng mềm buộc phải có. Một số ví dụ về các môn học bắt buộc có thể xem ở bảng 3 dưới đây:
Chú thích: Bảng 3 sử dụng thông tin chính thức từ website của Đại học Truman State (2019), người viết phân tích và tổng hợp theo nghiên cứu của Carnegie Foundation, và Breuning & cộng sự (2001).
Theo dữ liệu từ bảng 3, ta thấy rằng chương trình bắt buộc của ngành khoa học chính trị (một ngành thuộc khoa học xã hội, và là đại diện cho khoa học khai phóng) tập trung rất nhiều vào việc rèn luyện khả năng: tư duy phản biện, lí luận, nghiên cứu, và trình bày (nói và viết). Những kĩ năng này không những cần thiết cho một cá nhân trong quá trình làm việc sau này, đặc biệt là những công việc có quy mô lớn, đòi hỏi tính kết nối cao và đảm bảo thông tin giữa các bên liên quan, mà thông qua chúng, sinh viên còn có thể trui rèn được nhiều tính cách khác (sẽ phân tích cụ thể hơn ở phần dưới).
Thời gian tự học – dù là yếu tố gián tiếp – cũng đóng vai trò quyết định trong kết quả học tập của các sinh viên. Khảo sát từ trường Đại học Truman State cho biết, hơn một nửa số sinh viên của trường dành 2-3 tiếng mỗi ngày (hay 16-21 tiếng mỗi tuần) để tự học cho mỗi môn.
Độ thách thức của các môn học khi có sự nhấn mạnh vào các kỹ năng trong bảng trên cũng đã được ghi chú bởi các sinh viên: trên thang điểm 4 cho độ khó, thì các kỹ năng trên đạt điểm trung bình 3.5.
Năng suất lao động cao và tư duy sáng tạo trong làm việc của các sinh viên tốt nghiệp từ các đại học khai phóng, ví dụ như các cử nhân Khoa học Chính trị, đã được nhiều nhà tuyển dụng công nhận (theo nghiên cứu của Robinson, 2013 – thuộc đại học Ontario).
Các kỹ năng làm việc nhóm, quản lý dự án, hay networking, đều được đánh giá là cần thiết cho công việc và được đa số các sinh viên đánh giá là được rèn luyện bài bản từ đại học khai phóng (như bảng 4 dưới đây).
Bảng 4: Kỹ năng mà người được khảo sát đánh giá là cần thiết cho thành công trong công việc của họ và những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành các kỹ năng đó.
Chú thích:
[1] Carnegie Foundation for the Advancement of Teaching.
[2] Khi chuyển ngữ, một số thuật ngữ sẽ trở nên khó phân biệt trong tiếng Việt, nên ban biên tập xin được phép trình bày cả tên ngành học trong tiếng Anh để quý bạn đọc tham khảo.
[3] Khoa học tự nhiên được phân chia ra thành 2 nhóm khoa học tự nhiên chính: nhóm 1 – khoa học tự nhiên nghiên cứu về sự sống (sinh học, động vật, côn trùng, hoá sinh v.v.), nhóm 2 – khoa học tự nhiên nghiên cứu về những hiện tự, sự vật vô tri (vật lí, hoá học vô cơ, thiên văn học, v.v.). Ở đây, xin phép được chuyển ngữ thành ‘khoa học tự nhiên’ dù có thể có chút sai lệch về mặt ngữ nghĩa.
Đại học khai phóng đã trải qua nhiều thay đổi từ quá trình hình thành đến này nhằm thích ứng với thời đại mà nó tồn tại.
Dù kinh qua nhiều thay đổi, giáo dục khai phóng duy trì nhiệm vụ cốt lõi là đào tạo sinh viên các môn khoa học cơ bản để họ có khả năng tự tư duy về thế giới xung quanh.
Đại học khai phóng vừa dạy các môn có tính chuyên môn cao, vừa dạy những môn học khai phóng.
Tinh thần tự học và khả năng thích ứng cao là 2 giá trị tiên quyết mà các đại học khai phóng hướng đến đào tạo sinh viên – từ đó giúp khẳng định năng suất lao động của các cử nhân này trong mắt các nhà tuyển dụng.
Nguồn: Tổng hợp từ blog IEG Foundation
Liên hệ
Tầng 16, Tòa nhà 54A Nguyễn Chí Thanh, Quận Đống Đa, Hà Nội
(+84) 98 202 8888
info@apusvietnam.com
© 2015 APUS Vietnam. All right reserved