“Ivy Plus” bao gồm những trường Đại học tinh hoa nào?

Các trường nằm trong khối Ivy League vốn được biết tới là những trường Đại học có bề dày lịch sử về đào tạo, nghiên cứu và luôn có tỉ lệ trúng tuyển thấp dưới 10% tại Mỹ. Ngoài 8 trường Đại học này, nước Mỹ còn là cái nôi của một nhóm các trường Đại học tinh hoa khác (mà mọi người thường gọi vui là “Ivy Plus” hoặc “Ivy+”) để tôn vinh chất lượng đào tạo, nghiên cứu vượt trội và nguồn lực dồi dào mà các trường này mang lại cho sinh viên của mình. 

Thuật ngữ “Ivy Plus” là một tên gọi tạm thời, mang tính mở rộng và bao hàm những trường có uy tín và chất lượng tương xứng với các trường Ivy League. Nhóm này bao gồm 8 trường Đại học: Stanford University, Massachusetts Institute of Technology (MIT), California Institute of Technology (Caltech), University of Chicago, Duke University, Northwestern University, Johns Hopkins University, Vanderbilt University. 

Trong nhiều năm nay, các thành viên trong khối Ivy League và Ivy plus liên tục thảo luận để cùng đưa ra những tiêu chuẩn phù hợp trong cách thức tuyển sinh, nghiên cứu, đào tạo nhằm mang lại chất lượng tốt giáo dục tốt hơn cho sinh viên của họ. Hãy cùng APUS điểm qua một số thông tin về các trường trong nhóm Ivy Plus này:

California Institute of Technology / Caltech (Pasadena, California)

Caltech là một trường tư quy mô nhỏ, chuyên về khoa học và kỹ thuật với thế mạnh đào tạo về vật lý, thiên văn học và kỹ thuật hàng không vũ trụ. Ở Caltech, sinh viên luôn được khuyến khích đi sâu khám phá vấn đề mà các em đam mê và tích cực trao đổi, thảo luận với nhau về nhiều chủ đề từ khoa học đến triết học.

Quy mô lớp học nhỏ mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên. Sinh viên Caltech có thể bắt đầu làm nghiên cứu với giáo sư ngay từ từ bậc đại học. Một trong những nơi thu hút sinh viên tới làm nghiên cứu là Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (Jet Propulsion Laboratory (JPL) vốn là một cơ sở của NASA chuyên thiết kế và quản lý các nhiệm vụ không gian bằng robot. 

Sinh viên Caltech cũng được biết là những người có khiếu hài hước và cá tính thú vị, và chính trực. Sự liêm chính này được thể hiện rõ ở việc sinh viên trường làm bài thi không cần có sự giám sát của bất kỳ ai, và các em có quyền truy cập vào các nguồn tư liệu của trường 24 giờ để hoàn thành bài thi.

Điểm nhấn tuyển sinh của Caltech: trường tuyển sinh theo tiêu chí không xét điểm bài thi chuẩn hoá (SAT/ACT) 

Duke University (Durham, North Carolina)

Kiến trúc của Duke theo phong cách Gothic khiến chúng ta liên tưởng đến các tòa nhà cổ kính của các trường trong khối Ivy League. Trường có các chương trình thể thao nổi bật, đặc biệt là đội bóng rổ nam NCAA D1 với linh vật Blue Devil nổi tiếng ở Mỹ.

Trường luôn tạo điều kiện cho sinh viên tận dụng lợi thế của các trung tâm và viện nghiên cứu nổi tiếng bao gồm Viện Y tế Toàn cầu Duke, Viện Sáng kiến Năng lượng Duke và Trung tâm về loài Vượn cáo, nơi có bộ sưu tập lớn và đa dạng nhất thế giới về các loài linh trưởng này bên ngoài khu vực Madagascar.

Điểm nhấn tuyển sinh của Duke: 13% sinh viên hiện tại là cư dân Bắc Carolina và 14% là sinh viên quốc tế. Giống như nhiều trường khác, Duke nhận khoảng 50% sinh viên ở vòng Early Decision (vòng sớm có tính ràng buộc).

Johns Hopkins University– JHU (Baltimore, Maryland)

Johns Hopkins luôn đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục sức khỏe cộng đồng gồm có dịch tễ học, y tế toàn cầu và chính sách y tế. Một số chương trình liên ngành của trường như Kỹ thuật Y sinh được thiết kế bởi Trường Y và Trường Kỹ thuật Whiting đặc biệt thu hút sinh viên.

Tại cuộc thi hackathon “HopHacks” được tổ chức hai năm một lần tại JHU, các sinh viên được khuyến khích nghiên cứu và sử dụng công nghệ thông tin để giải quyết những vấn đề mà cộng đồng phải đối mặt trong thực tế. Trường cũng được biết đến với Học viện âm nhạc Peabody; đây là một trong những trường hàng đầu giảng dạy về biểu diễn âm nhạc, sáng tác, …

Điểm nhấn tuyển sinh của Johns Hopkins: Johns Hopkins là một trong những trường tuyên phong bãi bỏ hình thức tuyển sinh không “cộng điểm” cho những ai từng có người thân theo học trường.

Massachusetts Institute of Technology – MIT (Cambridge, Massachusetts)

MIT quá nổi tiếng với các chương trình đào tạo và nghiên cứu về khoa học, kỹ thuật và công nghệ và ứng dụng vào thực tiếp. Trong MIT Media Lab, sinh viên được các giáo sư hướng dẫn nghiên cứu nhiều dự án liên ngành, khám phá những ranh giới của khoa học và công nghệ, đặc biệt là về trí tuệ nhân tạo, robot và công nghệ sinh học. 

Sinh viên MIT dù học tập chăm chỉ, nhạy bén nhưng cũng rất sáng tạo trong các hoạt động trải nghiệm, vui chơi giải trí hàng ngày. 

Điểm nhấn tuyển sinh của MIT: Từ tháng 3 năm ngoái, MIT đã khôi phục chính sách yêu cầu nộp điểm SAT/ACT mặc dù hiện nay, có khoảng 80% các trường Mỹ áp dụng chính sách tùy chọn nộp điểm thi này. 

Stanford University (Palo Alto, California)

Stanford tọa lạc ở khu vực Silicon Valley vốn được coi là cái rốn công nghệ của thế giới nên trường luôn thu hút những sinh viên quan tâm về công nghệ, kinh doanh và khởi nghiệp. Trường cực kì nổi tiếng với chương trình đào tạo về kỹ thuật và khoa học máy tính và đặc biệt, luôn tạo điều kiện tối đa để sinh viên tiếp cận với các máy móc, công nghệ mới nhất bao gồm Máy gia tốc tuyến tính Stanford (lớn nhất thế giới).

Các hoạt động chào đón sinh viên mới của Stanford được đánh giá hấp dẫn, phù hợp với mọi sinh viên, giúp các em cởi mở và dễ dàng hòa nhập hơn với môi trường mới. 

Điểm nhấn tuyển sinh của Stanford: Tỷ lệ nhận vào Stanford luôn thấp nhất trong các trường ở Mỹ (chỉ khoảng 3,95%) và tỷ lệ sinh viên chấp nhận lời mời nhập học của trường luôn ở trong nhóm cao nhất (83,66%) đủ thấy được sức hút mạnh mẽ của trường. 

University of Chicago– UChicago (Chicago, Illinois)

University of Chicago luôn được biết đến với số lượng lớn giảng viên đoạt giải Nobel và chương trình giảng dạy cốt lõi nhấn mạnh tư duy phản biện và phân tích. Bất cứ ai có dịp trải nghiệm tại UChicago đều nhận thấy được “tính trí tuệ” bao trùm từ môi trường học tập đến giảng dạy và nghiên cứu của trường. 

Các ngành đào tạo nổi bật của University of Chicago là kinh tế, khoa học chính trị và triết học. Trường có 7 khu nội trú và sinh viên được phân ngẫu nhiên vào những khu vực này để cùng ăn nghỉ, và tham gia các hoạt động sinh hoạt chung với nhau. 

Phượng hoàng được lấy làm linh vật chính thức của các đội thể thao, và được in trên con dấu của trường. Biểu tượng này tượng trưng cho sự trỗi dậy của thành phố này từ đống tro tàn sau trận Đại hỏa hoạn Chicago năm 1871.

Điểm nhấn tuyển sinh của University of Chicago: Có 3 vòng nộp sớm tại University of Chicago và có khoảng 37.522 hồ sơ nộp vào trường vào năm ngoái.