Need-based financial aid (Hỗ trợ tài chính theo mức độ khó khăn của gia đình) là hình thức hỗ trợ tài chính dựa trên khả năng tài chính của gia đình học sinh. Phương thức hỗ trợ này hướng tới những học sinh cần được đặc biệt giúp đỡ về mặt tài chính thì mới có thể đi học, từ đó giúp giảm bớt khoảng cách giữa các học sinh có xuất thân xã hội khác nhau.
Tuy vậy, việc được hỗ trợ need-based không phải lúc nào cũng được bảo đảm, và cũng không phải dễ dàng. Mỗi trường đại học có một cách thức đánh giá và phân bổ loại hỗ trợ tài chính này của riêng mình. Các chi tiết trong bảng kê khai tài chính có thể ảnh hưởng tới khả năng được hỗ trợ của học sinh theo những cách mà các bạn không lường trước được, và mức hỗ trợ mà trường đưa ra có thể sẽ không khớp với kỳ vọng ban đầu. Dưới đây là 5 điều quan trọng mà các em cần biết về need-based financial aid. Hãy nắm rõ những điểm này để luôn theo sát các thông tin, cân nhắc chính xác các lựa chọn của bản thân, và đặt ra được kỳ vọng phù hợp với thực tế.
1) Mỗi trường hỗ trợ tài chính theo một cách khác nhau
Vì vậy các em phải đọc tất cả các tài liệu hết sức kỹ càng. Mỗi trường đại học có một bảng phân tích chi phí học tập khác nhau, và mỗi trường có một bộ các gói hỗ trợ tài chính khác nhau, dựa trên số quỹ, số học sinh, và các ràng buộc đặc thù. Vì những yếu tố này, chính sách hỗ trợ của họ có thể rất khác nhau cho dù miêu tả chung về các gói hỗ trợ tài chính của các trường này nghe có thể tương đối giống nhau. Các bạn phải tìm hiểu chính xác xem các gói tài chính của trường sẽ hỗ trợ các khoản tiền nào, học sinh sẽ nhận được nó theo phương thức nào, và liệu các gói này có đáp ứng được nhu cầu của các em hay không. Nếu muốn tham gia các khóa học ngắn ở các nước ngoài Mỹ trong quá trình học, hãy để ý tới những trường có mức hỗ trợ thường xuyên cho các chương trình du học. Nếu học sinh của một trường nọ có mức nợ tương đối cao khi tốt nghiệp, các ứng viên nên biết đến điều đó ngay từ bây giờ. Cùng một cụm từ có thể được sử dụng với những hàm nghĩa khác nhau tại các trường khác nhau. “Free ride” hoặc “full scholarship” có thể bao gồm tiền thuê nhà ở trường này nhưng lại chỉ bao gồm học phí ở trường khác.
2) Đọc tờ rơi và xem website của trường là không đủ
Những thông tin chung về hỗ trợ tài chính mà các trường đại học đăng tải là một hình thức tự quảng cáo. Mọi trường đại học đều muốn ứng viên chọn nộp hồ sơ và theo học tại trường mình, vì vậy họ muốn thuyết phục các em từ khía cạnh tài chính. Điều này không có nghĩa là thông tin của họ không chính xác, mà là thường chưa đầy đủ. Các bạn phải phân tích kỹ để hiểu được mức độ phù hợp thực sự của chính sách tài chính tại trường với nhu cầu của mình. Con số về số tiền trung bình mà một học sinh được hỗ trợ chưa chắc đã áp dụng được cho trường hợp của bạn, đặc biệt là nếu hồ sơ tài chính của bạn có những yếu tố phức tạp như gia đình làm chủ doanh nghiệp, có các khoản chi lớn cho y tế, bố mẹ em đã ly dị, v.v. Những trường hợp này cũng sẽ dẫn đến nhiều giấy tờ hơn. Các trường đại học không thể dự đoán hay đảm bảo gì về gói tài chính một ứng viên sẽ được nhận cho đến khi ứng viên đó đã nộp đầy đủ hồ sơ tài chính. Nhiều trường đặt bảng dự tính tự động trên trang web của mình để ứng viên tính gói hỗ trợ bạn có thể nhận được, nhưng đây chỉ là ước tính đơn giản và không có tính ràng buộc về phía nhà trường. Đừng tin rằng việc mình sẽ được hỗ trợ là điều đương nhiên, cũng đừng nghĩ rằng mình sẽ được nhận một khoản tiền nhất định nào đó, bất trường có quảng cáo như thế nào đi chăng nữa.
3) Bạn và trường đại học của bạn có thể có bất đồng quan điểm về nhu cầu tài chính thực sự của bạn
Need-based financial aid được tính toán dựa trên các thông số tài chính của mỗi gia đình. Mỗi trường đều có quy trình và các phép tính đã chuẩn hóa để xác định mức độ hỗ trợ tài chính, qua đó đảm bảo tính công bằng. Tuy vậy, mức độ hỗ trợ do các phương pháp này đưa ra và mức độ hỗ trợ gia đình bạn tự thấy cần được nhận nhiều khi rất khác nhau.
Để dự đoán đúng được mức hỗ trợ tài chính mình sẽ được nhận, gia đình các bạn phải xem xét tình hình tài chính của gia đình, các khoản chi, và các tài sản sẵn có. Số tiền trường đưa ra là nhằm giúp đỡ các khó khăn của gia đình học sinh, không phải để giúp các gia đình đang có cuộc sống dễ chịu có thể tiếp tục hưởng thụ cuộc sống đó. Nên nhớ rằng từ vị trí của một học sinh cấp 3, các em có thể không hiểu hết được tình hình tài chính của gia đình mình hay cách so sánh với các gia đình khác. Quá trình giáo dục của em, môi trường nơi em sống, bạn bè của em, sự cởi mở về tài chính từ bố mẹ của em, hay những yếu tố khác có thể khiến em cảm thấy các khó khăn tài chính của mình lớn hơn và cần kíp hơn so với thực tế, đặc biệt là khi xét trên mặt bằng chung.
Gia đình bạn cũng có thể có suy nghĩ khác với các trường đại học về vai trò của một tài sản có giá trị. Gia đình bạn có thể cho rằng bất động sản thứ hai của mình là một khoản đầu tư tốt cần được giữ lại, trong khi hội đồng xét tài chính lại cho rằng đó là một tài sản có thể được bán để trả chi phí đi học cho bạn (nhất là khi nhiều gia đình học sinh khác không có tài sản nào để bán đi như vậy). Tương tự, các gói hỗ trợ sẽ giúp bạn trang trải các chi phí cơ bản để đi học, nhưng sẽ không đáp ứng các nhu cầu cao hơn. Ví dụ như bạn có thể được hỗ trợ để mua một chiếc laptop đơn giản chứ không thể kỳ vọng sẽ được tài trợ một dàn máy tối tân.Trong mọi trường hợp, học sinh và gia đình đều có trách nhiệm đóng góp vào quá trình đi học của học sinh.
4) Các trường đại học sẽ không can thiệp vào những mâu thuẫn trong gia đình
Dưới áp lực hoàn thiện hồ sơ và sắp xếp tài chính để con đi học, gia đình của các bạn rất có thể phát sinh mâu thuẫn, ví dụ như về việc các bạn sẽ theo học trường nào, hoặc việc phân chia số tiền mỗi phụ huynh sẽ chi trả (trong trường hợp cha mẹ đã ly dị). Các trường sẽ không can thiệp vào các tình huống này. Họ không có năng lực, tư cách, hay nguồn lực để giải quyết. Đối với các trường hợp cha mẹ bạn đã ly dị hoặc không kết hôn, một số trường có thể sẽ gợi ý cách chia chi phí giữa hai phụ huynh, nhưng đây chỉ đơn thuần là các gợi ý. Gia đình phải tự quyết định. Trong một số trường hợp, một trong hai phụ huynh chỉ chấp nhận chi trả nếu con mình theo học một trường nhất định hoặc một ngành học nhất định. Các phụ huynh cũng có thể sẽ từ chối việc bán đi các tài sản hiện có hoặc thay đổi thói quen chi tiêu để dành tiền đi học cho con. Với các tình huống này, có thể tìm cách vay thêm tiền từ trường để bù vào phần còn thiếu. Tuy nhiên trong đây cũng có những rủi ro nhất định. Mức cho vay của chính phủ có giới hạn. Ứng viên có thể phải tính đến các nguồn vay tư nhân, với những điều khoản ngặt nghèo hơn, yêu cầu kiểm tra tín dụng, và có người lớn bảo lãnh. Gói hỗ trợ tài chính chỉ phụ thuộc vào số tiền gia đình bạn có thể trả chứ không phải muốn trả, vì vậy mọi yếu tố phức tạp về tài chính trong gia đình cần được giải quyết sớm để bạn có cái nhìn thực tế về khả năng nhận hỗ trợ của mình.
5) Một gói hỗ trợ tài chính lớn chưa chắc đã đủ để bạn được đi học
Nhiều trường đại học hàng đầu tại Mỹ có chi phí theo học rất lớn, lên tới gần $70.000/năm chưa kể ăn ở và sinh hoạt. Nhà trường có thể giúp đỡ một phần rất lớn về tài chính, nhưng chưa chắc gia đình bạn có thể trả số tiền còn lại, đặc biệt là ở các trường không có khả năng đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của học sinh. Mức hỗ trợ $40.000 là lớn, nhưng nếu chi phí đi học mỗi năm là $60.000 thì gia đình bạn phải đóng $20.000/năm – một con số có thể vẫn vượt quá khả năng của gia đình. Ngay cả khi mức hỗ trợ này có thể giúp bạn trong các khoản chi cơ bản, rất có thể bạn sẽ vẫn gặp phải các khó khăn tài chính trong quá trình học. Hạn chế về tiền có thể khiến bạn phải bỏ lỡ nhiều cơ hội, gặp khó khăn trong việc làm hay khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Ngoài việc điền hồ sơ tài chính, các bạn nên tìm xem có các cơ hội nhận hỗ trợ nào ngoài những gì mình đã biết hay không. Đừng ngại hỏi kỹ hội đồng xét duyệt tài chính về điều này.
Trên hết, các em hãy nhớ rằng cho tới khi được cầm trong tay thông tin chính thức về gói hỗ trợ tài chính và đọc kỹ mọi điều khoản, các em không thể cho rằng mình sẽ có đủ tiền để đi học tại một trường nào đó. Phải luôn có kỳ vọng thực tế, không ngừng tìm hiểu các khả năng đi học khác nhau, và có sẵn một kế hoạch dự phòng
#Apusvietnam
Liên hệ
Tầng 16, Tòa nhà 54A Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội
(+84) 98 2028 888
(+84) 98 5555 468
info@apusvietnam.com
© 2015 APUS Vietnam. All right reserved