Những Xu Hướng Ảnh hưởng đến Giáo dục Đại học Mỹ Năm 2024

Năm 2024 đã bắt đầu và chắc chắn sẽ mang đến những biến động quan trọng ảnh hưởng đến nền giáo dục Đại học Mỹ.

Trong năm qua, các trường đại học Mỹ đã đối mặt nhiều thách thức quan trọng, bao gồm những khó khăn về thắt chặt ngân sách, xung đột chiến tranh Israel-Hamas tại Gaza, nhiều hiệu trưởng tại các trường đại học danh tiếng từ chức. Đồng thời, việc số lượng sinh viên quyết định chọn học đại học giảm đáng kể đã tạo ra những áp lực lớn lên nền giáo dục Đại học Mỹ. 

Ở bài viết này, APUS tổng hợp ra những thay đổi có thể xảy ra ở bậc giáo dục Đại học Mỹ trong năm 2024. Liệu năm nay sẽ chứng kiến một bước ngoặt của giáo dục Đại học Mỹ theo hướng tích cực, hay lại là một năm đầy biến động và tranh cãi? 

Đổi Mới trong Quy Trình Tuyển Sinh

Một bài viết gần đây trên Inside Higher Education dự báo rằng các chính sách tuyển sinh đại học sẽ xảy ra nhiều biến động trong năm 2024. Khả năng cao sẽ xuất hiện nhiều thách thức pháp lý mới liên quan đến việc xem xét yếu tổ chủng tộc trong quá trình cấp học bổng và trong quá trình tuyển sinh khác của các trường đại học Mỹ. 

Điều này là kết quả từ quyết định của Tòa án Tối cao năm trước, cấm bỏ việc sử dụng tiêu chí chủng tộc trong quá trình xét tuyển Đại học Mỹ. Điều này có thể dấy lên nhiều tranh cãi và các vụ kiện pháp lý mới liên quan đến việc áp dụng chính sách tuyển sinh và phân bổ học bổng một cách công bằng và hợp lý mà không vi phạm quyết định của Tòa án Tối cao. 

Ngoài ra, khi ngày càng có nhiều chỉ trích liên quan đến việc duy trì tuyển sinh theo diện kế thừa, nhiều trường đại học Mỹ đang và sẽ chấm dứt chính sách tuyển sinh này.

Bên cạnh đó, các trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyển sinh trực tiếp đảm bảo các suất học cho những học sinh chưa mạnh dạn đăng ký nộp hồ sơ vào trường. 

Tăng Cường Sự Giám Sát của Quốc Hội

Trong năm năm qua, các tiểu bang thuộc Đảng Cộng hòa tiếp tục chấm dứt các chương trình tạo ra sự công bằng và đa dạng cho sinh viên các trường Đại học Mỹ. 

Nghị sĩ Dan Crenshaw từ Đảng Cộng hòa, đại diện cho Texas, đã đề xuất một dự luật nhằm hạn chế việc các trường đại học được nhận thêm các nguồn tài chính khi yêu cầu sinh viên ký các tuyên bố hoặc viết bài luận để thể hiện cam kết hoặc ý thức về các giá trị và mục tiêu liên quan đến các mục tiêu vì sự công bằng và đa dạng trong môi trường đại học. Đảng Cộng hòa ở Hạ viện còn tổ chức thêm các phiên điều trần để áp thuế lên quỹ học bổng của các trường Đại học. 

Tác động từ AI 

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong giáo dục đại học. Các giáo viên đại học đang tập cách sử dụng AI để nâng cao chất lượng giảng dạy và cá nhân hóa trải nghiệm học tập cho sinh viên. Bên cạnh đó, các cấp quản lý đại học đang tích cực ứng dụng AI trong tuyển sinh và hỗ trợ sinh viên,…. 

Sức ảnh hưởng của AI lên nhiều lĩnh vực như y tế, biến đổi khí hậu, ngân hàng, và năng lượng đã thúc đẩy các trường đại học cung cấp các khóa học và bằng cấp mới về máy học (machine learning), dữ liệu lớn (big data) và AI. Đồng thời, các trường đại học đang tăng cường tuyển dụng giáo viên chuyên sâu về AI để cạnh tranh giành nguồn tài trợ từ chính phủ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như y học, an ninh mạng, nông nghiệp, và biến đổi khí hậu. Hỗ trợ cho nghiên cứu AI đang tạo ra ưu thế cho các trường có nguồn lực giàu có hơn.

Cải biên chương trình học

Ngày càng có nhiều sự lo ngại về giá trị của bằng đại học trong quá trình tuyển dụng. Điều này đã thúc đẩy các trường đại học thử nghiệm các giải pháp mới để nâng cao tính ứng dụng của bằng cử nhân đối với cả sinh viên và nhà tuyển dụng. Các hướng tiếp cận có thể gồm triển khai cấp bằng đại học trong 3 năm; tích hợp các khóa học hướng nghiệp vào các chương trình học truyền thống; và tăng cường các chương trình thực tập giúp sinh viên có được trải nghiệm thực tế ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 

Đồng thời, các chương trình đào tạo từ xa hay trực tuyến sẽ ngày càng bùng nổ và áp dụng cho cả bậc Đại học chứ không chỉ dừng ở các cấp sau Đại học. 

Thách Thức Tài Chính 

Các trường Mỹ đang phải đối mặt với sự thâm hụt ngân sách từ lúc đại dịch. Trong suốt năm 2023, các trường đại học Mỹ liên tục phải đóng các chương trình học, sa thải giáo viên hoặc cắt giảm chi phí,…

Cũng giống năm trước, khủng hoảng tài chính không chỉ giới hạn ở các trường đại học tư nhân nhỏ, ngay cả các tổ chức lớn có uy tín cũng sẽ phải đối mặt với áp lực về ngân sách.

Trong năm 2024, dự kiến sẽ có nhiều trường đại học đứng trước nguy cơ “phá sản”, dẫn đến việc nhiều trường sẽ phải hợp nhất lại, đóng cửa. Điều này đặt ra thách thức nghiêm trọng không ngừng tăng cao mà giáo dục đại học Mỹ đã, đang và sẽ phải đối mặt trong một vài thập kỷ tới.