Trong mùa tuyển sinh năm nay, khá nhiều em học sinh đã lựa chọn nộp hồ sơ vòng sớm để tăng cơ hội được nhận vào các trường Đại học mơ ước. Thay vì đợi đến hạn nộp chính vào tháng 1, các em sẽ nộp từ tháng 10 hoặc 11 thông qua các hình thức như Early Decision (nếu được nhận thì bắt buộc nhập học) hoặc Early Action (nộp sớm nhưng vẫn có quyền từ chối và nộp thêm trường khác).
Mặc dù ngày càng nhiều trường đại học tư thục hàng đầu không còn công khai thông tin về số lượng và tỷ lệ trúng tuyển trong vòng EA hoặc ED như trước. Tuy nhiên, từ những dữ liệu được công khai, chúng ta vẫn có thể rút ra một số xu hướng quan trọng – không chỉ dành cho các bạn học sinh lớp 12 đang chờ kết quả vòng Regular Decision năm nay, mà còn cho các bạn học sinh lớp 11 đang bắt đầu chuẩn bị cho mùa nộp hồ sơ năm sau.
NHỮNG GHI NHẬN ĐÁNG CHÚ Ý VỀ VÒNG NỘP HỒ SƠ SỚM NĂM NAY
Mùa nộp hồ sơ sớm năm nay tiếp tục ghi nhận số lượng hồ sơ tăng mạnh tại các trường đại học tư thục vẫn duy trì chính sách tùy chọn nộp điểm thi chuẩn hóa (test-optional). Đúng như dự đoán, các trường yêu cầu điểm thi như SAT/ACT lại ghi nhận lượng hồ sơ nộp vòng sớm giảm rõ rệt.
– Đại học Pennsylvania (UPenn) nhận được hơn 9.500 hồ sơ Early Decision – tăng khoảng 12% so với con số hơn 8.500 của năm ngoái. Việc mở rộng chính sách học bổng (nâng ngưỡng thu nhập để được học bổng toàn phần từ 140.000 USD lên 200.000 USD/năm với các gia đình có tài sản ở mức trung bình) kết hợp với việc vẫn giữ chính sách test-optional đã góp phần lớn vào sự gia tăng này.
– Đại học Notre Dame nhận số lượng hồ sơ Restrictive Early Action (REA) kỷ lục với 12.917 hồ sơ, tăng 16% so với năm ngoái. Đây cũng là chu kỳ tuyển sinh đầu tiên sau khi trường công bố chính sách hỗ trợ tài chính mới – bao gồm bỏ hoàn toàn khoản vay trong gói hỗ trợ tài chính cho sinh viên bậc đại học, và mở rộng chính sách xét tuyển need-blind.
– Đại học Duke, vẫn duy trì chính sách test-optional, nhận được 6.627 hồ sơ Early Decision – tăng 6% so với năm ngoái, vốn đã từng tăng tới 30%. Đây cũng là số lượng hồ sơ ED cao nhất trong lịch sử Duke. Sự tăng trưởng mạnh này phần lớn nhờ chính sách mới công bố năm ngoái: học bổng toàn phần cho tất cả sinh viên đến từ bang North Carolina và South Carolina.
– Đại học Texas tại Austin (UT Austin) ghi nhận mức tăng “khủng” – số hồ sơ nộp vào lớp năm nhất tăng tới 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Một phần nguyên nhân là do số lượng thí sinh ngoài bang tăng mạnh (tăng 40% so với năm ngoái), đặc biệt khi UT Austin bắt đầu cho phép nộp đơn qua hệ thống Common App, giúp mọi thứ thuận tiện hơn rất nhiều.
– Nhiều học sinh đang tận dụng cơ hội từ các vòng Early Action (EA) tại các trường công lập như UT Austin, Đại học Georgia (tăng 13% số hồ sơ EA) và Đại học Virginia (UVA) – với số hồ sơ Early Decision tăng 11% so với năm ngoái.
Mặt khác, một số trường top lại ghi nhận số hồ sơ nộp vòng sớm giảm:
– Đại học Brown ghi nhận số hồ sơ Early Decision giảm 19%, chỉ còn 5.048 hồ sơ – mức thấp nhất kể từ khi trường áp dụng chính sách test-optional cho Khóa 2024. Tuy nhiên, điều thú vị là trong khi tổng số hồ sơ giảm thì số lượng hồ sơ từ học sinh quốc tế lại tăng 22%, nhờ chính sách mới xét tuyển need-blind dành cho học sinh quốc tế vừa được áp dụng.
– Đại học Columbia (vẫn áp dụng test-optional) cũng ghi nhận mức giảm nhẹ 2% số hồ sơ nộp sớm. Giới quan sát cho rằng sự sụt giảm này có thể liên quan đến những biến động nội bộ tại trường trong năm qua.
– MIT, sau khi tái áp dụng yêu cầu điểm thi chuẩn hóa cách đây ba năm, từng chứng kiến số lượng hồ sơ Early Action giảm gần 20% vào năm đó (cho Khóa 2027). Năm ngoái có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại, nhưng đến năm nay, lượng hồ sơ EA tiếp tục giảm 4%.
– Đại học Yale, trong năm đầu tiên quay lại yêu cầu nộp điểm thi chuẩn hóa, cũng ghi nhận số lượng hồ sơ Early Action giảm 14% so với năm ngoái. Tuy nhiên, tương tự như Brown, các cán bộ tuyển sinh của Yale đã chủ động dự đoán trước xu hướng giảm này khi thay đổi chính sách tuyển sinh.
XU HƯỚNG NỘP HỒ SƠ VÒNG SỚM QUA COMMON APP
Dữ liệu mới được công bố từ hệ thống Common Application về lượng hồ sơ nộp trước ngày 1/11 đã đưa ra một bức tranh khá rõ nét về mùa tuyển sinh năm nay. Dưới đây là những điểm nổi bật nhất – và một số nhận định quan trọng:
– 904.860 học sinh đã nộp tổng cộng 4 triệu hồ sơ trước ngày 1/11. Trung bình, mỗi học sinh nộp khoảng 4,43 hồ sơ – cho thấy tâm lý “chắc ăn”, đăng ký nhiều trường hơn để tăng cơ hội.
– Ngày càng nhiều học sinh tận dụng lựa chọn Early Action (EA) – vì không bị ràng buộc, nên các bạn có thể thử sức ở nhiều trường top.
– Số lượng hồ sơ nộp vào các trường công lập (tăng 12%) tăng nhanh hơn các trường tư thục (tăng 8%) so với cùng kỳ năm ngoái. Những trường như UT Austin và Đại học Georgia (U Georgia) là ví dụ điển hình cho xu hướng này.
– Lần đầu tiên kể từ năm 2021, số lượng học sinh nộp điểm thi chuẩn hóa (SAT/ACT) đã vượt qua số học sinh không nộp điểm. Mặc dù chỉ có một số ít trường top quay lại yêu cầu điểm thi, nhưng rõ ràng là nhiều học sinh vẫn chủ động gửi điểm để tăng tính cạnh tranh – kể cả ở các trường test-optional.
– Tốc độ tăng trưởng số lượng học sinh nộp hồ sơ tại Mỹ cao nhất ở khu vực Tây Nam, đặc biệt là West Virginia (tăng 33%) và Texas (tăng 32%) so với năm học 2023–2024. Việc UT Austin tham gia Common App khiến quá trình nộp đơn thuận tiện hơn và có thể là một yếu tố chính cho sự tăng trưởng này.
– Tính đa dạng trong nhóm học sinh sử dụng Common App tiếp tục tăng:
+ Số lượng học sinh thuộc nhóm thiểu số (URM – underrepresented minority) tăng 16%.
+ Số lượng học sinh là người đầu tiên trong gia đình đi học đại học tăng 19%.
+ Những học sinh đủ điều kiện được miễn lệ phí nộp hồ sơ cũng tăng rõ rệt.
– Rõ ràng, sự đa dạng về nền tảng kinh tế – xã hội đang là trọng tâm trong chiến lược tuyển sinh của các trường đại học top, nhất là sau phán quyết năm 2023 của Tòa án Tối cao Mỹ về việc bãi bỏ chính sách ưu tiên chủng tộc (affirmative action).
– Cuối cùng, trong tổng số khoảng 4 triệu hồ sơ nộp sớm, có khoảng 645.000 hồ sơ (tương đương 16%) được gửi đến các trường có tỷ lệ trúng tuyển dưới 25% – tức là nhóm các trường đại học cạnh tranh nhất. Năm ngoái, con số này chỉ chiếm khoảng 13%. Sự tăng trưởng này phần lớn đến từ các trường top vẫn tiếp tục duy trì chính sách test-optional, khiến việc nộp hồ sơ trở nên “dễ tiếp cận” hơn với nhiều học sinh.
Việc ngày càng có nhiều trường công lập gia nhập Common Application dẫn đến số lượng hồ sơ nộp vào các trường công và các trường ít cạnh tranh hơn đang tăng nhanh, đồng thời nhóm học sinh sử dụng Common Application cũng ngày càng trở nên đa dạng hơn.
Số lượng hồ sơ nộp sớm của Khóa 2029 có thể nói là khá đa dạng: tăng tại những trường vẫn duy trì chính sách test-optional và giảm mạnh ở một số trường chủ chốt đã yêu cầu lại điểm thi (đặc biệt là các trường như Yale và Brown). Chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi các xu hướng tương tự ở đợt nộp hồ sơ Regular Decision, nhưng cần lưu ý rằng, như dữ liệu từ Common App chỉ ra, ngày càng có nhiều thí sinh chọn nộp điểm thi ngay cả khi trường xét tuyển test-optional.
Trong bối cảnh tuyển sinh ngày càng biến động – từ chính sách nộp điểm thi, thay đổi tỷ lệ chấp nhận hồ sơ đến sự cạnh tranh ở từng vòng apply – việc theo dõi sát sao các xu hướng và chuẩn bị chiến lược phù hợp ngay từ sớm là điều vô cùng quan trọng. Với kinh nghiệm đồng hành cùng hàng trăm học sinh Việt Nam chinh phục các trường đại học top tại Mỹ, APUS sẽ hỗ trợ các em xây dựng kế hoạch nộp hồ sơ hiệu quả, tận dụng tối đa thế mạnh cá nhân và thích nghi kịp thời với những thay đổi trong tuyển sinh. Nếu các em đang là học sinh lớp 11 hoặc lớp 12 và cần một lộ trình chiến lược phù hợp với mục tiêu của riêng mình, hãy kết nối với APUS tại: apusvietnam.com/admission.
Liên hệ
Tầng 16, Tòa nhà 54A Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội
(+84) 98 2028 888
(+84) 98 5555 468
info@apusvietnam.com
© 2015 APUS Vietnam. All right reserved