Quy trình tuyển sinh của Stanford có gì khác biệt?!

Stanford là một trong những trường tuyển sinh theo chính sách Holistic Admission (Xét tuyển toàn diện). Theo cách thức này, Stanford sẽ đánh giá một ứng viên dựa vào những tiêu chí khác nhau từ học thuật đến gia cảnh, môi trường sống, và những mối quan tâm bên trong và ngoài trường học của mỗi em. 

Theo định nghĩa của Hiệp hội các trường Đại học Công lập Hoa Kỳ, “Xét tuyển toàn diện là một chiến lược tuyển sinh đại học nhằm đánh giá trải nghiệm độc đáo của thí sinh, ngoài những tiêu chí truyền thống như điểm số và điểm các bài thi tiêu chuẩn… Cách xét tuyển này được thiết kế để giúp các trường đại học xem xét tổng thể toàn bộ các yếu tố của thí sinh từ thành tích học tập, khả năng tạo ra ảnh hưởng và đóng góp cho trường, đến tiềm năng để thành công trong tương lai.”

Stanford còn cân nhắc thêm những yếu tố như gia cảnh, môi trường sinh trưởng của thí sinh và cả những mối quan hệ xung quanh của các em để hiểu thêm về tính cách và năng lực của mỗi em. Ngoài ra, bài luận là một thành phần không thể thiếu và ngày càng trở nên quan trọng giúp trường hiểu được hoàn cảnh, sở thích và những tố chất cấu thành nên con người của mỗi em. 

Qua quá trình này, Stanford có thể hiểu thí sinh từ nhiều lăng kính khác nhau để từ đó dự đoán xem thí sinh có thể phát triển như thế nào với những nguồn lực mà Stanford có thể cung cấp. .

Vậy chính xác thì Stanford áp dụng phương pháp xét tuyển toàn diện như thế nào? 

Yếu tố gia cảnh và môi trường sống

Stanford rất chú trọng tính đa dạng trong tuyển sinh và cố gắng đảm bảo mỗi học sinh đều là một phiên bản độc nhất. 

Khi xem xét hồ sơ, trường không áp dụng một cách đánh giá khuôn mẫu nào cho toàn bộ các thí sinh. Thay vào đó, trường bóc tách và xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết trong hồ sơ và lưu tâm đến những điểm độc đáo nhất của mỗi thí sinh. Cụ thể là những yếu tố nào: gia cảnh, nguồn gốc gia đình, quá trình học tập và những trải nghiệm mà mỗi thí sinh có được qua từng năm. Nhờ đó, Stanford sẽ biết được xuất phát điểm và nỗ lực của từng học sinh ra sao cho tới thời điểm nộp hồ sơ. 

Xuất sắc trong học tập

Tiêu chí quan trọng nhất để được nhận vào Stanford là thành tích học thuật bởi yếu tố này phản ánh được năng lực và khả năng sẵn sàng vào đại học của mỗi thí sinh. Stanford sẽ xem xét cách mà học sinh đối mặt và vượt qua những thách thức trong học tập, và trong đó, có những thành tích nổi bật nào mà em đã nỗ lực đạt được. 

Mặc dù bảng điểm là thành phần quan trọng nhất trong hồ sơ học thuật nhưng Stanford không áp dụng một công thức cứng nhắc nào để chọn lọc ra những thí sinh xuất sắc nhất. Chẳng hạn, trường không đặt ra bất cứ mức điểm trung bình tối thiểu hay số lượng các lớp học nâng cao nào mà mỗi thí sinh cần phải lấy để có thể được xem xét khi nộp hồ sơ vào trường. 

Thái độ cầu tiến, sẵn sàng học hỏi 

“IV – Intellectual Vitality” tạm gọi là thái độ cầu tiến, ham học hỏi. Đây là một tiêu chí quan trọng mà Stanford đặc biệt quan tâm bởi trường cho rằng một thí sinh hiếu kỳ và khát khao khám phá và theo đuổi tri thức thường không ngại tham gia vào các cuộc thảo luận sôi động về kiến thức trong trường. Vậy nên, trường đánh giá rất cao những thí sinh thể hiện được thái độ cầu thị này thông qua những hoạt động ngoại khoá mà các em đã dành nhiều tâm sức theo đuổi, cũng như từ những đánh giá từ phía thầy cô giáo của các em. 

Hoạt động sau giờ học 

Các hoạt động ngoại khóa và sở thích ngoài giờ học là một trong những dấu hiệu giúp Stanford hiểu thêm về thí sinh và những tiềm năng của em đó. Trường không quá chú trọng vào số lượng hoạt động mà một học sinh cần phải tham gia, mà ở độ sâu và chất lượng mỗi hoạt động mà em đó có được và tạo ảnh hưởng đến cộng đồng. 

Nếu không có điều kiện tham gia vào các hoạt động ngoại khóa phức tạp, các em học sinh vẫn có thể chứng minh được tính cam kết và trách nhiệm của mình thông qua những hoạt động thường ngày mà các em hay làm cho gia đình.

Ngoài ra, thành tích thể thao có thể được xem xét trong quá trình tuyển sinh, nhưng không đảm bảo thí sinh có thành tích cao sẽ được nhận vào Stanford.