Sự phát triển của AI và mối đe dọa với các ngành nhân văn học

Trí tuệ nhân tạo ngày nay đã phát triển đến mức có khả năng viết một đoạn văn dài từ một vài ý tưởng ban đầu. Hãy đọc thử đoạn văn sau đây: 

The construct of “learning styles” is problematic because it fails to account for the processes through which learning styles are shaped. Some students might develop a particular learning style because they have had particular experiences. Others might develop a particular learning style by trying to accommodate a learning environment that was not well suited to their learning needs. Ultimately, we need to understand the interactions among learning styles and environmental and personal factors, and how these shape how we learn and the kinds of learning we experience.

Mike Sharples, một giáo sư ở Anh đã dùng GPT-3 — một mô hình ngôn ngữ tự động có khả năng viết thành một bài văn hoàn chỉnh từ một đề bài có sẵn. Giáo sư Mike nhận xét bài văn này tương đương trình độ sau đại học. OpenAI là công ty phi lợi nhuận, chuyên nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo do hai nhà đầu tư Sam Altman và tỷ phú Elon Musk thành lập vào năm 2015. 

Bài luận này tương đương với trình độ sau đại học và ở đâu đó giữa mức A- hoặc B+. Giáo sư Mike đưa việc này ra thảo luận nhằm “thức tỉnh” các nhà giáo dục “suy nghĩ lại về việc giảng dạy và đánh giá” các bài luận văn của sinh viên khi công nghệ đang can thiệp sâu vào đời sống của các em. Ông cho rằng sinh viên có thể lợi dụng tiện ích này để gian lận, thậm chí công nghệ ngày một tiên tiến có thể thay thế vai trò giáo viên hay tham gia sâu hơn vào các lĩnh vực sáng tạo.

AI đã phát triển đến mức nào?

Phải nói rằng, việc sử dụng trí tuệ để viết thành bài luận không còn nằm trên lý thuyết xa vời nữa. Vào tháng 5, một sinh viên ở New Zealand thú nhận đã sử dụng AI để viết bài và bạn này cho rằng mình không hề gian lận vì luật thi chỉ cấm nhờ “người khác” viết bài hộ. 

Sinh viên này bức xúc nói: “Tôi thấy không khác gì dùng Grammarly hay công cụ check chính tả. Tôi có kiến thức, kinh nghiệm sống phong phú, tham gia tất cả các buổi hướng dẫn và buổi học, đọc sách đầy đủ nhưng khả năng viết không trôi chảy khiến tôi cảm thấy nặng nề như đang chịu đựng một hình phạt” 

Điều này chưa phải tất cả những gì AI có thể làm được. Tuần trước, GPT-3 còn kết hợp với thiết bị chatbot mới toanh tên là ChatGPT viết ra được một bài thơ có vần điệu hẳn hoi. Google đang tiến hành các ứng dụng mới cho phép mọi người nhận hình ảnh được mô tả từ văn bản họ nhập vào và xem chúng được hiển thị dưới dạng hình ảnh,… Sớm thôi, trẻ em sẽ nhanh chóng tiếp cận các công nghệ đáng ngạc nhiên nay. 

Công nghệ và nhân văn – tương trợ hay tách rời nhau? 

Bài luận nêu ở trên hiện đang là tâm điểm thảo luận của các nhà giáo dục và rất có thể đảo ngược cách trẻ em được dạy để tư duy, nghiên cứu và viết. Nhiều giáo sư, chuyên gia giáo dục đã lên tiếng về điều này.

Kevin Bryan, phó giáo sư tại Đại học Toronto, đã có một tweet về chatbot mới của OpenAI như sau: “AI có thể giải quyết được những bài tập cụ thể và đòi hỏi khả năng vận dụng cao. OpenAI còn lợi hại hơn cả một số chương trình MBA thời nay. Những người bị ảnh hưởng nặng là các kỹ sư ngôn ngữ lẫn các nhà giáo dục tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ”. 

Công nghệ và khoa học nhân văn luôn tồn tại một khoảng cách trong một thời gian dài. Vào những năm 1950, tiểu thuyết gia C. P. Snow đã có bài giảng, sau này là tiểu luận về “Hai nền văn hóa”, trong đó ông mô tả về sự rời rạc giữa hai cộng đồng nhân văn và khoa học. Ông lập luận rằng đôi bên không hiểu nhau và đang có một hình ảnh méo mó về nhau.” Ý kiến của Snow là hiện thân cho chủ nghĩa thế giới trí tuệ – intellectual cosmopolitanism: những người làm văn chương đang thiếu những hiểu biết cơ bản về các định luật nhiệt động lực học, còn những người làm khoa học thì phớt lờ vinh quang của Shakespeare và Dickens.

Ngày nay, sự rạn nứt này rõ rệt qua việc nhiều người không còn coi trọng văn hóa, văn học, chữ nghĩa hay thậm chí là đọc sách. Kể cả với Elon Musk trong trường hợp với Twitter, ông tin vào những kinh nghiệm hiện hữu hơn là kiến thức từ sách vở, để rồi chế giễu văn học một cách châm biếm. 

Đáng buồn thay, những con người đứng đầu có tầm ảnh hưởng và đang định hình xã hội lại thiếu nhiều kiến thức về xã hội và lịch sử. Không phải vì lòng tham hay sự ích kỷ, họ chỉ đơn giản hời hợt và cố tình quên lãng những giá trị cốt lõi. Còn ở phía bên kia, những con người đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học nhân văn lại đóng khuôn trong thế giới của họ bất luận ngoài kia đang xảy ra chuyện gia. Chính vì sự thờ ơ này, lĩnh vực nhân văn hứng chịu không ít bất cập suốt 50 năm qua, đặc biệt kể từ khi cuộc cách mạng công nghệ bắt đầu. Tính đến năm 2017, số lượng đăng ký chuyên ngành tiếng Anh đã giảm gần một nửa kể từ những năm 1990 (giảm kỷ lục 45% so với năm 2007). 

Đã đến lúc công nghệ và nhân văn cần hòa hợp 

Vậy thì tại sao lại có sự suy giảm trên? Nhiều sinh viên của các ngành khoa học nhân văn đang thất vọng và hối hận về lựa chọn của họ khi cơ hội nghề nghiệp ngày càng trở nên ảm đạm. Thế nhưng những người đào tạo lại không hiểu vấn đề này. Dù cho thế giới xung quanh vận hành đa số bởi công nghệ, nhiệm vụ của những người làm nhân văn là giải thích cho nhiều người hơn hiểu rằng vì sao ngôn ngữ, giọng nói, kỹ năng hùng biện, vấn đề lịch sử, hệ thống đạo đức lại quan trọng. Họ đã không làm được điều này trong một thời gian dài. 

Trong những thành tựu đáng nhớ của lịch sử, giá trị của khoa học nhân văn đối với công nghệ luôn được đánh giá cao. Steve Jobs luôn cho rằng, đế chế Apple thành công như vậy một phần là nhờ vào quãng thời gian ý nghĩa của ông tại Đại học Reed. Dù bỏ học giữa chừng, nhưng Steve Jobs luôn nhấn mạnh về khoảng thời gian còn đi học khi ông say mê với Shakespeare, những buổi khiêu vũ hiện đại, kiến thức về thư pháp,… Theo Steve Jobs, đây là những kiến thức nền tảng để ông hoàn thiện nét thẩm mỹ cho thiết kế của Mac. Theo lời Steve: “Kinh nghiệm đa dạng giúp chúng ta hiểu bao quát vấn đề, đưa ra những hướng giải quyết phù hợp trong cuộc sống.” 

Ai trong chúng ta cũng đều hiểu rằng nền giáo dục nhân văn mang lại những giá trị cần thiết nhưng ngay cả vậy, các ngành STEM vẫn chiếm ưu thế hơn trong 10 năm qua. Số sinh viên đăng ký học khoa học máy tính hiện nay gần bằng số sinh viên đăng ký tất cả các ngành nhân văn cộng lại.

Và bây giờ lại có thêm GPT-3 — có khả năng xử lý ngôn ngữ một cách tự nhiên. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình đánh giá các bài luận văn của sinh viên và nghiên cứu sinh (bậc Tiến sĩ). Điều gì xảy ra nếu những quy trình này được tự động hóa? Theo kinh nghiệm của tiểu thuyết gia Stephen Marche, giới học thuật sẽ mất 10 năm để quen với việc sinh viên đang sử dụng công nghệ để đối phó với các bài tập được giao trên trường. Nghề giáo vốn đã đòi hỏi người làm nghề làm việc quá sức trong khi mức lương nhận lại quá thấp. Và nếu giờ người học lại lạm dụng quá nhiều vào công nghệ thì công việc của những người này sẽ đi đâu về đâu. Thật đáng thương cho họ.

Theo Stephen Marche, nếu công nghệ ngày càng phát triển thì chỉ dăm năm nữa giáo viên hoàn toàn bị thay thế bởi công nghệ hiện đại. Do vậy, các kỹ sư công nghệ và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực nhân văn học cần bắt lại tay với nhau. Các nhà khoa học máy tính cần hiểu thấu đáo về triết học, ngôn ngữ, xã hội học, lịch sử và đạo đức, từ đó tạo nên những chatbot sáng tạo và đúng chuẩn mực đạo đức của nhân loại. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa nhân văn sẽ cần hiểu quá trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên bởi vì đó là tương lai của ngôn ngữ, có thể giúp ích trong việc hệ thống hóa những tác phẩm văn học, ghi chép từ hàng nghìn năm trước. 

Các tham số trong các mô hình ngôn ngữ lớn phức tạp hơn nhiều so với các hệ thống hiện tại. Khi hiểu và vận dụng đúng, công nghệ sẽ phép khôi phục văn bản về một hiện trạng nhất định, lấp đầy các ký tự bị thiếu dựa trên phỏng đoán đầu vào và những khoảng trống trong các văn bản bị hỏng. Nếu được vậy, giới công nghệ và nhân văn sẽ khôi phục và phát triển được những tác phẩm văn học kinh điển cho nhân loại. 

Kết luận

Mối liên hệ giữa chủ nghĩa nhân văn và công nghệ sẽ đòi hỏi con người có tầm nhìn rộng, khám phá vượt ra ngoài lĩnh vực của họ. Cả hai chuyên gia đến từ hai lĩnh vực sẽ phải chấp nhận vượt qua rào cản: Hiểu rằng họ cần đối phương và thừa nhận sự thiếu hụt về kiến thức của nhau. Và đây mới chính là khởi đầu của trí tuệ, bất kể chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ nào.