Logo
(+84) 98 2028 888(+84) 98 5555 468
Đặt lịch tư vấn

Tấm bằng Đại học: Có thật sự quan trọng đến vậy?

29th April, 2022

Suốt cả cuộc đời mình, tôi cống hiến 40 năm cho việc học: mẫu giáo, tiểu học, trung học, phổ thông, cử nhân tại trường UC Berkeley, theo học tiến sĩ tại Princeton. Sau đó, công việc thực thụ đầu tiên mà tôi sở hữu là giảng viên kinh tế học tại Đại học George Mason. 

Không có lý do gì để tôi phải đả kích hệ thống giáo dục đại học, và tôi cũng biết ơn công việc tuyệt vời hiện tại. Tuy nhiên, trải qua một phần tư thế kỷ để đọc và suy ngẫm, tôi hiểu rằng giáo dục đại học đôi khi thật lãng phí thời gian và tiền bạc. Khi các chính trị gia kêu gọi nhiều người Mỹ cần đi học đại học nhiều hơn, tôi không khỏi hoài nghi: “Tại sao lại phải học Đại học? Sao lại cố gắng làm lãng phí thời gian của một số người?” 

Hẳn nhiều người sẽ thắc mắc vì sao tôi lại có suy nghĩ này khi bằng cấp luôn được xem trọng ở thời đại này và có vẻ những ai càng có bằng cấp cao lại càng được thị trường “định giá” cao hơn. Trung bình một cử nhân đại học sẽ có thu nhập cao hơn 73% so với người chỉ có bằng cấp chứng chỉ thông thường, số liệu này tăng đến 50% so với những năm 70 của thế kỷ trước. 

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao mọi người trả cho tấm bằng đại học mức giá cao đến vậy? Có phải bởi các trường đại học dạy cho sinh viên những kỹ năng làm việc hữu ích?! Điều này còn đang vấp phải nhiều tranh cãi.

Hãy thử phân tích một chút: Từ lúc mẫu giáo, học sinh dành hàng giờ để học những thứ không liên quan mấy đến thị trường lao động hiện đại. Tại sao các lớp tiếng Anh lại dạy ngữ văn và thơ ca, thay vì các kỹ năng viết phục vụ trong kỹ thuật và kinh doanh? Tại sao các lớp toán nâng cao lại yêu cầu học sinh giải các bài toán hóc búa? Học sinh sẽ dùng lịch sử, lượng giác, nghệ thuật, âm nhạc, vật lý, tiếng Latinh để làm gì trong thực tiễn?

Để giải thích cho những cách biệt giữa giáo trình dạy trong đại học và thực tiễn môi trường làm việc, người ta thường nói với học sinh, sinh viên rằng: Các giáo viên dạy những gì họ biết và hầu hết trong số này đều có rất ít kiến thức từ môi trường làm việc thực tế. Câu trả lời này chưa thật sự thuyết phục.

Nếu nhà trường muốn học sinh của mình học được những kỹ năng giúp xin việc và có thu nhập cao trong tương lai, tại sao họ không mời về trường những người làm về thực tiễn để dạy sinh viên của họ? Bởi lẽ, mặc dù có những cách biệt giữa trường học và xã hội bên ngoài, thành công trong học thuật vẫn là một yếu tố quan trọng nói lên năng suất lao động của một người lao động trong tương lai. 

Giả sử bạn đang làm việc cho một công ty luật đang tuyển thực tập sinh làm việc vào mùa hè. Nếu nhận được hồ sơ từ một ứng viên có bằng Tiến sĩ tại Stanford ứng tuyển vào vị trí này, nhà tuyển dụng cho rằng ứng viên này là người thông minh và dám “thách thức” bản thân vượt ra khỏi giới hạn an toàn và vẫn sẽ nhận ứng viên này dù biết rằng những gì ứng viên đó học trên trường chẳng liên quan gì mấy đến yêu cầu của công việc hiện tại. 

Tại sao vậy?

Điều này được giải thích trong lý thuyết về tín hiệu giáo dục “educational signaling” của Michael Spence, Kenneth Arrow và Joseph Stiglitz — tất cả đều đoạt giải Nobel trong kinh tế nhờ có lý thuyết này. Lý thuyết này chỉ ra rằng có sự khác biệt tương đối lớn giữa người hoàn thành chương trình đại học và người không. Giả sử bạn chỉ học một năm Đại học rồi bỏ, số lương tăng lên trung bình của bạn nhận được chỉ bằng 25% tiền thưởng làm ngoài giờ của một người có bằng 4 năm Đại học, và nếu bỏ học ở năm 2 hay năm 3 thì con số này sẽ tương đương 50 và 70% số tiền thưởng của người có bằng cử nhân thôi. Ngoài ra, một nghiên cứu còn cho thấy, lương trung bình của một sinh viên năm cuối đại học gấp đôi tổng mức lương của sinh viên năm nhất, năm hai và năm ba kết hợp lại. Nhiều người không đồng tình với lý thuyết này vì cho rằng nó tạo ra một cuộc chạy đua về “bằng cấp cao” hơn trong xã hội. 

Quan điểm truyền thống cho rằng giáo dục có vai trò quan trọng vì giúp nhiều sinh viên thu được nhiều kiến thức. Nhưng thực tế thì không hẳn vậy. Khó có sinh viên nào có thể tiếp thu và lưu giữ trọn vẹn những kiến thức. Cứ sau một kỳ nghỉ hè, nhiều giáo viên lại than vãn về việc học sinh gần như quên sạch kiến thức. Đây là một ví dụ điển hình của hiện tượng quên lãng: Con người khó nhớ được những gì họ ít có cơ hội dùng đến. Chỉ có những ai hay phải sử dụng những kiến thức được học ở trường vào thực tế thì mới có động cơ lưu lại những kiến thức này. Bởi vậy những kỹ sư thì thường dễ nhớ các công thức toán học hơn so với các sinh viên chuyên ngành không liên quan khác. Khi thử đo lường lượng kiến thức trung bình còn sót lại trong đầu các sinh viên sau nhiều năm tốt nghiệp, kết quả thu được khiến nhiều người phải thất vọng. 

Vào năm 2003, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ thực hiện việc đánh giá khả năng hiểu biết và kiến thức của 18,000 người trưởng thành. Kết quả cho thấy có ít hơn 1/3 sinh viên tốt nghiệp đại học đạt mức hiểu biết “thành thạo”; khoảng 1/5 chỉ đạt mức “cơ bản” hoặc “thấp hơn cơ bản”. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học thậm chí không thể hiểu được bảng giải thích chi phí bảo hiểm y tế hàng năm thay đổi theo thu nhập như thế nào, không thể hiểu và tóm tắt được những yêu cầu tuyển dụng cho một vị trí nào đó. Khi kiểm tra hiểu biết của nhóm này về kiến thức lịch sử, công dân và khoa học thường thức, họ đều không vượt qua được. 

Điều này khiến tôi hoài nghi về kiến thức của các các bạn sinh viên. Phần lớn trong số họ như thể những “bóng ma vô định” trong thế giới thực!!!

Sinh viên đại học không thể chỉ học để biết các công cụ làm việc rồi thao tác như một cái máy; các em cần phải biết cách kết nối những gì đang học áp dụng với thực tiễn ra sao. 

Một nghiên cứu về ảnh hưởng của giáo dục đối với lý luận ứng dụng do Giáo sư David Perkins của Đại học Harvard thực hiện vào giữa những năm 1980, đánh giá những câu trả lời của sinh viên cho một số câu hỏi đòi hỏi tính lý luận kiểu như: “Nếu bang Massachusetts yêu cầu người dân đặt cọc 5 xu cho mỗi chai nước họ mua thì có làm giảm đi đáng kể lượng rác thải xả ra tại tiểu bang này?”. Nghiên cứu này kết luận lại: Lợi ích của việc học đại học dường như bằng không và sinh viên năm thứ tư có câu trả lời không tốt hơn sinh viên năm thứ nhất là bao.

Một số bằng chứng khác cũng đưa ra một nhận định tương tự. Một nhà nghiên cứu đã kiểm tra khả năng của sinh viên Đại học Arizona State University trong việc “áp dụng các khái niệm thống kê và phương pháp luận để lập luận về các sự kiện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày”. Trong số vài trăm sinh viên tham gia đánh giá, nhiều người đã tham gia nghiên cứu khoa học và làm trong phòng thí nghiệm được 6 năm và hầu như không ai trong số này đưa ra một phương pháp lập luận có thể chấp nhận được. 

Nếu ai tin rằng đại học là nơi sinh viên khoa học học cách học những kiến thức và phương pháp làm khoa học để từ đó ứng dụng vào phân tích thế giới quan, thì xin hãy nhìn nhận lại. 

Sinh viên Đại học thường chỉ thực hành một số phương pháp luận dành riêng cho chuyên ngành của mình. Hãy nhìn vào một nghiên cứu khác khảo sát của Đại học Michigan. Nghiên cứu này so sánh kết quả điểm lý luận ngôn từ, lý luận thống kê và lý luận có điều kiện của các sinh viên từ ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhân văn, tâm lý học trong năm đầu Đại học và năm hai Đại học, sinh viên các chuyên ngành xã hội học và tâm lý học đạt kết quả tốt hơn ở phần lập luận thống kê trong khi đó sinh viên nhóm khoa học tự nhiên và nhân văn học lại nhỉnh hơn ở phần lý luận có điều kiện — phân tích các vấn đề “nếu… thì” và “nếu và chỉ khi”. Tuy nhiên, sinh viên các nhóm còn lại thì không. Đơn giản là bởi sinh viên tâm lý học và nhân chủng học thường hay phải sử dụng số liệu thống kê, vì vậy họ thạo về về số liệu thống kê hơn; trong khi đó sinh viên hóa học hiếm khi phải dùng công cụ này nên kĩ năng này không được cải thiện. Nghiên cứu này phản ánh việc sinh viên chỉ học và thực hành những gì họ hay làm hàng ngày. 

Các nhà tâm lý học giáo dục phát hiện ra rằng phần lớn kiến thức của chúng ta là thụ động. Học sinh đạt điểm xuất sắc trong các kỳ thi thường hay gặp khó khăn khi áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. Những sinh viên nhận được điểm danh dự của các khóa học vật lý cấp đại học thường không thể giải quyết các vấn đề cơ bản và các câu hỏi gặp phải nhưng theo một hình thức hơi khác với những gì họ được hướng dẫn và thực hành trên trường.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với sinh viên khối ngành sinh học, toán học, thống kê và cả kinh tế học. Tôi cố gắng dạy học sinh của mình kết nối các bài giảng đến thế giới thực và cuộc sống hàng ngày. Các bài kiểm tra của tôi được thiết kế để đánh giá độ hiểu của sinh viên chứ không phải là kiểm tra khả năng ghi nhớ của các em. Tuy nhiên, trong một lớp học mà đa số các sinh viên đều có năng lực tốt, chỉ có bốn em trên tổng số 40 em thật sự hiểu về kinh tế. Chúng ta không thể đo lường lợi ích xã hội của giáo dục thông qua điểm kiểm tra hay tiền lương và các khoản phúc lợi mà người học nhận được. Thay vào đó, chúng ta nên hỏi bản thân xem chúng ta mong muốn một xã hội tri thức hay chỉ đơn giản là chỉ gồm những con người học để có bằng cấp?

Một số người cho rằng nên nhìn giáo dục một cách rộng hơn chứ không nên chỉ chăm chăm tính toán những điểm lợi thu được từ giáo dục. Họ cho rằng tôi là một nhà kinh tế học hay hoài nghi và rồi hay bỏ qua những điều tốt đẹp và nhân văn mà nhiều nhà giáo dục đã gây dựng và phát triển. Nhưng trên thực tế thì không phải vậy. Tôi tin tưởng vào những thay đổi tích cực trong giáo dục, chỉ là hoài nghi về những con người đang làm chủ sự chuyển dịch này.

Khi tôi nói tôi tính toán lợi nhuận mà giáo dục mang lại, nhóm người thuộc chủ nghĩa nhân văn nói rằng tôi chỉ đang hoài nghi theo góc nhìn của một nhà kinh tế học. Nhưng trên thực tế, tôi cân đo đong đếm lợi nhuận giáo dục vì tôi trăn trở về con người, về thế hệ học sinh, sinh viên, về những người đang thụ hưởng giáo dục này. Tôi càng trăn trở hơn về người trực tiếp đưa ra những quyết định có ảnh hưởng lớn lên hệ thống giáo dục. Nhiều cán bộ quản lý, giám sát, kiểm định chất lượng tưởng như họ đang kiểm soát được những gì sinh viên đang học và nghĩ rằng miễn sinh viên tuân thủ theo đúng những gì được dạy nghĩa là họ đã hoàn thành công việc của mình. Tuy nhiên sự thực không phải vậy. 

Hơn 40 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục, dù cho tôi biết nhiều sinh viên, nhà giáo hết lòng với công việc của họ và một số những nhà quản lý giáo dục thông thái, nhưng đáng buồn thay, con số này đang ngày càng giảm dần. 

Trên thực tế, sinh viên cũng trở nên xao nhãng hơn với việc học, họ không muốn đến lớp đều đặn và chỉ học những gì sẽ được ra trong đề thi. Thời gian rảnh, họ dành cho việc vui chơi, giải trí, và những sở thích cá nhân. Trước đây, đại học là một “công việc” toàn thời gian. Trung bình một sinh viên sẽ dành 40 giờ một tuần chỉ để học. Hiện tại, với 27 tiếng một tuần cho việc học, chỉ có khoảng 14 tiếng trong tuần đó sinh viên thật sự học tập. 

Hễ rảnh ra, sinh viên lại vùi đầu vào vui chơi. Trong cuốn sách “Academically Adrift” của hai tác giả Richard Arrum và Josipa Roksa có đề cập đến một ý: Giả sử sinh viên nào cũng ngủ 8 tiếng một ngày (một con số tương đối “rộng lượng”), họ chỉ còn 85 tiếng/tuần cho các hoạt động khác. Hai tác giả cũng trích dẫn một nghiên cứu, trong đó chỉ ra rằng sinh viên tại một ngôi trường nọ dành 13 tiếng để học, 12 tiếng gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, 11 tiếng cho các hoạt động giải trí trên máy tính, 8 tiếng làm thêm kiếm thu nhập, 6 tiếng xem TV, 6 tiếng tập thể dục, 5 tiếng cho các sở thích cá nhân, và 3 tiếng còn lại cho các trò vui chơi giải trí khác. Và cuối cùng, điểm trung bình của học sinh này vẫn được “bảo toàn” ở mức 3.2!!!

Điều này phản ánh điều gì? Tôi có nên xúi một học sinh 18 tuổi học tốt bỏ học Đại học vì thực sự, trường Đại học cũng chẳng giúp em thu nạp được kiến thức gì mới mẻ hơn? Tuyệt đối không. Bởi lẽ đã có những nghiên cứu chỉ ra ở trên rằng những ai có tấm bằng cử nhân 4 năm sẽ gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng hơn những người không có và với tấm bằng này, các em có thể nâng thu nhập của mình nhiều hơn trong tương lai. Nếu từ bỏ đi cơ hội có được tấm bằng Đại học, em học sinh đó sẽ mất cơ hội có được công việc trí não, thu nhập cao và có thể cao hơn trong tương lai.

Thực tế cho thấy, giáo dục đại học giúp ích cho từng cá nhân, nhưng không phải cho sự thịnh vượng và công bằng xã hội. Một nghiên cứu chỉ ra rằng nếu một người dân ở một quốc gia học thêm một năm, thu nhập quốc dân của quốc gia đó chỉ tăng từ 1% đến 3%. Tức là, giáo dục làm giàu cho các cá nhân nhiều hơn là làm giàu cho các quốc gia.

Sao có thể như vậy được? 

Trước tiên chúng ta hãy xem qua định nghĩa về lạm phát giáo dục (credential inflation): Khi trình độ học vấn trung bình tăng lên, ứng viên cần thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn xứng đáng với công việc bằng cách thể hiện trình độ giáo dục tốt hơn. Một nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng từ đầu những năm 1970 đến giữa những năm 1990, trình độ học vấn của người làm ở một trong 500 loại nghề nghiệp cụ thể tăng lên 1, 2 năm học. Nhưng hầu hết chất lượng các công việc này không thay đổi nhiều trong khoảng thời gian đó. Vậy tại sao mọi người vẫn cần học nhiều hơn? Đặc biệt là trong năm 1995 so với năm 1975? Hơn thế nữa, trình độ học vấn của người lao động Mỹ đã tăng 1,5 năm trong cùng khoảng thời gian đó. Điều này có nghĩa là phần lớn số người có việc làm không phải bởi vì họ nhận được công việc tốt hơn, mà bởi vì họ đã giành chỗ của những người có trình độ giáo dục kém hơn. Việc này xuất phát từ đâu? Một phần đến từ tình trạng lạm phát chứng chỉ. 

Các yêu cầu về tín chỉ đại học ngày càng tăng đồng nghĩa với việc sinh viên càng tốn sức hơn để đạt được chúng. Một khi chán nản, sinh viên có thể bỏ cuộc, huỷ thi, bỏ môn. Điều này rõ ràng đi ngược lại những giá trị của giáo dục mà mọi người vẫn thường ca tụng. Kết quả là có đến 60% sinh viên không thể hoàn thành chương trình 4 năm đại học. 

Càng đề cao đại học, phần lớn chúng ta bỏ qua các trường nghề. Ở đây, người học trải nghiệm lý thuyết tại lớp, học nghề, đào tạo tay nghề tại chỗ và nhiều đầu việc liên quan trực tiếp đến công việc thực tế. Dù là hình thức nào đi nữa, tất cả đều có một điểm chung là giáo viên sẽ dạy kỹ năng nghề nghiệp. Cụ thể, học tập bằng thực hành tay nghề chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc nghe giảng và học lý thuyết. Một số nghiên cứu cũng cho thấy các trường dạy nghề giúp tăng thu nhập, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng số người hoàn thành chương trình học nhiều hơn. 

Những người ủng hộ quan điểm giáo dục truyền thống không đồng tình với việc này vì cho rằng nếu học nghề, sinh viên sẽ gặp những rủi ro bất định trong tương lai. Vì sao học sinh phải chuẩn bị cho sự thay đổi của nền kinh tế vào năm 2018, nếu như đến 2025 hoặc 2050 họ mới tham gia thị trường lao động? Những lo lắng về sự bất định của tương lai là thiếu căn cứ. Nếu đi theo lập luận của những nhà giáo dục truyền thống thì chắc khác nào nói những ai muốn theo học để trở thành nhà văn, nhà sử học, chính trị gia, nhà khoa học vật lý và nhà toán học sẽ gần như thất nghiệp trong tương lai. Nhiều người trong số này còn rủ rỉ với học sinh rằng nếu không theo được đại học thì quay sang học nghề, nhưng trên thực tế không mấy ai bỏ Đại học sẽ đi học nghề cả.

Giáo dục là một phần không thể thiếu đối với cuộc sống hiện đại nên chúng ta coi việc phải sở hữu thật nhiều bằng cấp là điều hiển nhiên để có được một công việc và mức lương mơ ước. Người trẻ phải nhảy qua các vòng học vấn khó khăn để đảm bảo vị trí của họ trong thế giới “người lớn”. Nghiên cứu của tôi về các xã hội văn minh xoay quay trục quay giáo dục, nhưng thực tế, có những hướng đi khác thực chất và văn minh hơn. Nếu tất cả mọi người đều có bằng đại học, kết quả sẽ không phải là tất cả đều có được công việc tốt, mà thực chất chỉ đẩy mức độ lạm phát giáo dục cao hơn mà thôi. Khi chúng ta truyền bá tư tưởng giáo dục mang lại thành công, chúng ta chỉ truyền bá giáo dục, chứ không kích thích được khả năng thành công của một người. 

Đại học là một quá trình. Ở đó, bạn được học, được trau dồi kiến thức về nghề nghiệp mình sẽ làm trong tương lai, được tận hưởng thời gian sinh viên với những hoạt động làm phong phú đời sống tinh thần. Và đương nhiên, với nỗ lực đó, bạn sẽ được “quả ngọt” xứng đáng khi bước vào đời. Bạn có thể chọn học Đại học nếu bạn biết cách tận dụng nó. Còn nếu đích đến của bạn là có được công việc và mức lương tốt để trả sạch những khoản nợ sinh viên đè nặng, bạn sẽ khó có thể cảm nhận được cái hay của hành trình này. Tấm bằng tốt, bảng điểm đẹp sẽ giúp lưu giữ những ấn tượng ban đầu, nhưng kỹ năng mềm và khả năng thích nghi với sự biến đổi của thực tế cuộc sống cần nhiều rèn luyện hơn bạn nghĩ. 

Giáo dục Đại học vẫn rất cần thiết cho những ai muốn gặt hái những “quả ngọt” trên một hành trình dài hơi. Còn những ai muốn làm một công việc nào đó mà không cần bằng Đại học, không sao cả, hãy mạnh dạn tìm kiếm cơ hội tôi rèn kỹ năng tại các cơ sở đào tạo nghề, nơi bạn được đào tạo kỹ năng thực tế và đảm bảo có một công việc đúng mong muốn ngay khi kết thúc chương trình học. Hãy suy xét thật kỹ trước những lựa chọn. Đừng để phí hoài 4 năm vô ích bởi ai đó nói bạn nên học Đại học, trong khi bạn có thể tận dụng khoảng thời gian này để nắm bắt những cơ hội khác cho mình. 

Đăng ký nhận tin

Liên hệ

Tầng 16, Tòa nhà 54A Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

(+84) 98 2028 888

(+84) 98 5555 468

info@apusvietnam.com

© 2015 APUS Vietnam. All right reserved

FaceBookFaceBookYouTubeInstagramTikTokZalo
Đặt lịch tư vấn