Tất tần tật những điều cần biết khi phỏng vấn với MIT!

I. Kinh nghiệm phỏng vấn với MIT
Một đại diện MIT có 6 năm kinh nghiệm phỏng vấn trên 50 ứng viên nộp hồ sơ vào MIT đưa ra một số lời khuyên cho các thí sinh nhận được phỏng vấn năm nay.
1. Đừng đợt đến phút cuối mới liên hệ với trường yêu cầu phỏng vấn vì càng về cuối, ban tuyển sinh sẽ rất bận và khó đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các thí sinh.
 2. Sử dụng từ ngữ và thái độ tôn trọng khi gửi thư cho trường để tạo ấn tượng tốt với ban tuyển sinh.
3. Mặc lịch sự nhưng đừng quá trịnh trọng khi bước vào buổi phỏng vấn (trực tiếp). Trang phục thông dụng nhất bạn có thể chọn cho buổi phỏng vấn là đồng phục trường.
4. Mang theo những tài liệu, vật dụng giúp trường hiểu thêm về bạn. Một số gợi ý gồm: tờ bích báo trường có đăng bài viết của bạn hoặc laptop để giới thiệu các dự án online bạn tham gia…. Và đừng quên gạch ra những ý chính để giới thiệu về những hoạt động đó.
5. Không có công thức chung cho mọi cuộc phỏng vấn. Mỗi người phỏng vấn sẽ có cách đặt câu hỏi khác nhau. Một số cuộc phỏng vấn diễn ra tự nhiên như một buổi trò chuyện đời thường, nhưng một số cuộc phỏng vấn khác được dẫn dắt theo hướng những câu hỏi và câu trả lời truyền thống. Dù cuộc phỏng vấn diễn ra theo hướng nào, bạn nên cố gắng cung cấp những thông chi tiết, chính xác và nhất quán.  Lời khuyên của tôi là bạn nên gạch những ý chính cần chia sẻ với người phỏng vấn. Vd: Điều gì mà adcom nên biết thêm về bạn?. Đây là cơ hội tuyệt vời để bạn bổ sung những thông tin chưa được đề cập hoặc đề cập chưa đủ trong bộ hồ sơ. Đặc biệt, bạn nên chuẩn bị trước hai câu hỏi mặc định mà bất cứ người phỏng vấn nào cũng sẽ hỏi: (1) Tại sao bạn muốn nộp hồ sơ vào MIT và (2) Hãy giới thiệu với chúng tôi về bạn.
6. Bạn có thể tìm kiếm thông tin người phỏng vấn trên nhiều kênh thông tin nhưng đừng đọc quá nhiều để bị bị ngợp trong đống thông tin đó hoặc làm bản thân tự ti khi biết sắp nói chuyện với một ai đó nổi tiếng. Bạn cũng nên tránh hỏi người phỏng vấn những câu hỏi so sánh giữa MIT và những ngôi trường khác mà người phỏng vấn đã từng theo học hoặc tránh gửi kết bạn facebook hay Linkedin với người phỏng vấn cho đến khi bạn biết được kết quả tuyển sinh.
7. Đừng mang nhiều tài liệu đến buổi phỏng vấn vì có thể người phỏng vấn đã đọc hồ sơ của bạn và họ sẽ ghi chép trong quá trình phỏng vấn. Thay vì mang nhiều giấy tờ, bạn nên chuẩn bị trước và mang theo resume/CV có liệt kê những hoạt động ngoại khoá của bạn.
8. Hãy coi đây là buổi trò chuyện hai chiều giữa bạn và người phỏng vấn vì vậy đừng ngại đặt câu hỏi. Bạn có thể hỏi người phỏng vấn những câu hỏi như: những lớp học mà họ chọn, chuyên ngành họ chọn, nơi họ đang sinh sống, những hoạt động mà họ chọn khi ở MIT, những trải nghiệm họ có với MIT. Trước khi đặt cậu hỏi, bạn nên tìm hiểu tương đối về những chương trình bạn quan tâm và đặt những câu hỏi liên quan, qua đó, người phỏng vấn biết rằng bạn đã tìm hiểu về trường. Ví dụ: Bạn không cần phải hiểu tường tận về chương trình UROP (http://uaap.mit.edu/research-exploration/urop) để có thể đặt ra câu hỏi hay; nếu quan tâm đến các chương trình nghiên cứu trong trường, câu hỏi của bạn có thể là: “Có bất cứ cơ hội nào để sinh viên tham gia vào chương trình nghiên cứu trong trường không? Điều này đủ để người phỏng vấn biết rằng bạn đã tìm đọc về các chương trình nghiên cứu cho sinh viên của MIT trên website.
Việc đọc thông tin trước còn giúp cho bạn hiểu và tìm ra sự tương đồng giữa mình và trường. Xem phần II. trong bài viết để đánh giá mức độ phù hợp giữa bạn và trường.
9. Cố gắng đừng tỏ ra quá hồi hộp. Tất cả người phỏng vấn đều hiểu rằng quá trình nộp hồ sơ vô cùng căng thẳng. Một số ứng viên thể hiện sự lo lắng trong buổi phỏng vấn nhưng một số khác lại không. Chúng tôi đã gặp một số trường hợp ứng viên không hề tỏ ra lo lắng trong quá trình phỏng vấn và đôi khi, các em này làm chúng tôi nghĩ rằng em hơi kiêu ngạo hoặc không thật sự quan tâm đến MIT. Lời khuyên của tôi cho cả hai nhóm này, đó là, sau mỗi câu hỏi, bạn hãy dừng lại đôi chút để suy nghĩ trước khi trả lời. Tôi cảm thấy thích những ứng viên thổ lộ rằng “Em đang rất hồi hộp” hơn là dấu đi cảm xúc của mình và liên tục nói vấp và trả lời lặp đi lặp lại trong suốt buổi phỏng vấn. Hãy nhớ rằng, tất cả những người phỏng vấn đều tự nguyện đăng ký tham gia phỏng vấn bởi chúng tôi mong muốn MIT sẽ là một môi trường thú vị để cho các ứng viên phù hợp có thể phát triển và thành công. Vậy nên, các em đừng ngại chia sẻ với chúng tôi cảm xúc của mình để thể hiện tốt hơn trong buổi phỏng vấn.
II. Những điều bạn cần biết trước khi nộp hồ sơ vào MIT? 
Ngoài điểm trung bình (GPA) và các điểm thi, MIT còn nhìn vào các yếu tố khác để đánh giá ứng viên có phù hợp với trường hay không?! Dưới đây là một số yếu tố quan trọng: 
– Với mong muốn “Biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn”, MIT không mong đợi ứng viên phải làm những việc phi thường khi chỉ mới 15 tuổi, trường tìm kiếm những ứng viên mang lại những thay đổi tích cực từ những điều rất nhỏ như làm gia sư để giúp bạn mình cải thiện kết quả học tập hay vận động hành lang để gỡ bỏ một chính sách kém hiệu quả. Qua những hành động thiết thực này, bạn đã góp phần cải thiện môi trường sống xung quanh mình.
– Tinh thần hợp tác: sinh viên được khuyến khích giải quyết các vấn đề theo nhóm. Trường có rất nhiều phòng thí nghiệm liên khoa và cũng nổi tiếng với những công trình nghiên cứu liên ngành. Trường lấy việc chia sẻ kiến thức và nguồn tài nguyên làm trọng tâm của các hoạt động nghiên cứu. Tất nhiên không ai cấm bạn làm việc độc lập những sẽ tốt hơn nếu bạn biết hợp tác với người khác.
– Kiến tạo. Những dự án nghiên cứu, những nguồn tài trợ nghiên cứu, những bài giảng thú vị không bày sẵn cho sinh viên vì theo quan điểm của trường, những cơ hội phải do sinh viên tự nắm bắt. Những sinh viên biết tự tạo cơ hội cho mình sẽ biết cách tận dụng những cơ hội và nguồn lực có sẵn ở MIT.
– Chấp nhận rủi ro. MIT tuyển những ứng viên không chỉ biết đến thành công mà còn biết chấp nhận thất bại. Khi một cá nhân chấp nhận rủi ro, kiên định với lựa chọn của mình, và coi thất bại là một phần của cuộc sống, họ sẽ đạt được những thành tựu vượt bậc.
– Sáng tạo và mang tính thực hành cao. MIT là một môi trường năng động, mang tính ứng dụng cao nên sinh viên được khuyến khích thử nghiệm những điều mới mẻ vì đó là cách tốt nhất để đạt được thành công. Trường ứng dụng lý thuyết để giải quyết những vấn đề thực tế. Khẩu hiệu của trường là “Mind and Hand” tạm dịch là đừng chỉ nghĩ, hãy hành động. 
– Đam mê. sinh viên được khuyến khích đầu tư vào những hoạt động thật sự ý nghĩa với họ. Hãy khám phá, chú trọng vào chất lượng hơn số lượng. Hãy đặt thời gian, tâm sức vào những điều bạn thật sự quan tâm.- Sức mạnh của cộng đồng: sinh viên của trường luôn quan tâm và ủng hộ nhau trong công việc và cả việc theo đuổi những giấc mơ táo bạo. Vậy nên, trường luôn tìm kiếm những cá nhân chia sẻ văn hoá này.
– Cân bằng. Work hard, Play Hard (Học ra học, chơi ra chơi). Trên thực tế, MIT và sinh viên của trường không phải là những cỗ máy chỉ biết làm việc. Để thành công, trường khuyến khích sinh viên phân bổ thời gian giữa công việc và các hoạt động khác. Vì vậy, trong bài luận số 1 của MIT, trường hỏi bạn thường làm gì trong thời gian rảnh. 
– Đa dạng. MIT khẳng định không chỉ tìm kiếm những cá nhân ưu tú, xuất chúng. Sinh viên của trường rất đa dạng, mỗi cá nhân có năng lực khác nhau, bổ sung cho nhau và giúp tạo nên một tập thể mạnh, trong đó các em hỗ trợ, truyền cảm hứng và mang lại cho nhau những trải nghiệm mới, thú vị.
Sau khi đọc bài viết này, có bao nhiêu điểm bạn thấy mình phù hợp với MIT?