Tên tuổi trường Đại học có thật sự quan trọng?

Nhiều người cho rằng khi tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng sẽ đảm bảo được cơ hội việc làm và thu nhập tốt hơn nên càng ngày, càng có nhiều thí sinh dùng mọi cách để được nhận vào các trường Đại học tốt như nhóm các trường Ivy League cũng như các trường hàng đầu khác ở Mỹ. Tuy nhiên, những “scandal” gian lận trong tuyển sinh đại học như “Operation Varsity Blues” đã tạo ra những thách thức xen lẫn hoài nghi về giá trị đích thực khi theo học tại những trường Đại học danh tiếng.

Và điều này đặt ra một câu hỏi: “Việc chọn lựa trường đại học có thực sự quan trọng không?”. Bài viết tổng hợp dưới đây đưa ra một số các nghiên cứu liên quan đến sự lựa chọn trường đại học và mối liên quan giữa việc chọn trường với thu nhập, cơ hội nghề nghiệp và hiệu suất tại nơi làm việc sau khi tốt nghiệp. Thông tin trong bài viết có thể giúp phụ huynh và sinh viên tương lai có thể đưa ra quyết định phù hợp về giá trị thực tế của tấm bằng đại học từ các trường đại học danh tiếng.

Tác Động của Trường Đại Học Với Thu Nhập Sau Này

Tốt nghiệp từ trường nào có quan trọng không? Theo quan điểm thông thường, việc học tại các trường Đại học có mức độ cạnh tranh và chọn lọc ứng viên cao mang lại nhiều lợi ích hơn cho sinh viên hơn so với các trường còn lại. Một nghiên cứu của Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia (NCES) vào năm 2000 cho thấy rằng việc đạt được bằng cấp từ những trường đại học như vậy sẽ giúp thu nhập tăng từ 11% đến 16% đối với nam giới và tăng thu nhập 12% đối với phụ nữ. Đáng chú ý, phụ nữ được hưởng lợi khi theo học tại các trường Đại học khai phóng (LACs( cạnh tranh cao, với mức thu nhập cao hơn 24% so với sinh viên đến từ các nhóm trường khác (theo nghiên cứu của Fitzgerald, 2000).

Một nghiên cứu của Dale và Krueger (1999) đưa ra một kết luận hơi khác. Theo nghiên cứu này, sinh viên học tại các trường có tỉ lệ “chọi” cao không kiếm được nhiều hơn so với sinh viên trường khác. Nghiên cứu này chỉ ra rằng “những sinh viên theo học tại các trường đại học cạnh tranh hơn không kiếm được nhiều tiền hơn so với những sinh viên được nhận vào các trường Đại học tốt nhưng lại từ chối để theo học tại các trường đại học ít cạnh tranh hơn”. Nghiên cứu cũng cung cấp một thông tin thú vị khác là những sinh viên theo học tại các trường đại học có học phí cao hơn mặt bằng chung có xu hướng kiếm được thu nhập cao hơn về lâu về dài và mức thu nhập tăng cao nhất đối với nhóm những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường Đại học hàng đầu. 

Dale và Krueger tiếp tục nghiên cứu về tác động của việc chọn trường đại học đối với thu nhập. Họ sử dụng dữ liệu từ Cuộc khảo sát College and Beyond (C&B) với các sinh viên niên khoá 1976 và 1989, và so sánh với các dữ liệu thu thập được từ Cơ quan An sinh Xã hội (SSA). Cả hai rút ra kết luận rằng thu nhập của những người học tại các trường đại học có tỷ lệ cạnh tranh cao “giảm đáng kể” và trở nên khó phân biệt với cả nhóm sinh viên tốt nghiệp năm 1976 và năm 1989. Riêng đối với nhóm sinh viên ra trường năm 1989, việc theo học trường có tỉ lệ “chọi” cao mang lại nhiều đột phá về thu nhập cho những sinh viên da màu, sinh viên gốc Hispanic và sinh viên đến từ những gia đình không có điều kiện.

Nghiên cứu này còn hé mở rằng việc theo học tại một trường yêu cầu điểm SAT cao hơn 200 điểm có thể mang lại 5.2% lợi nhuận thu nhập cho sinh viên Khóa 2007 và đến từ những gia đình mà bố mẹ chưa từng học Đại học. Ngược lại, đối với một sinh viên có bố mẹ ở trình độ đại học trở lên, việc theo học tại một trường chọn lọc cao không mang lại nhiều thay đổi về mặt thu nhập.

Nhóm nghiên cứu cũng kết luận rằng việc theo học các trường đại học có tính chọn lọc cao có thể mang lại lợi ích cho nhóm sinh viên da màu, sinh viên gốc Hispanic, và sinh viên đến từ những gia đình không có điều kiện bởi vì đây là con đường giúp các em mở ra nhiều mối quan hệ và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Ngược lại, những nhóm sinh viên khác thường không phải nhờ qua những nguồn lực như vậy, mà có thể tìm đến bạn bè và người thân để có cơ hội tương tự.

Mối quan hệ giữa chọn trường và chọn ngành

Nghiên cứu của Eide, Hilmer và Showalter (2016) tìm hiểu mối tương quan giữa chọn lựa trường đại học và chọn ngành nghề. Nghiên cứu này cho thấy sự chọn lựa trường đại học có ảnh hưởng nhiều hơn đối với những người học ngành kinh doanh, khoa học xã hội, giáo dục và nhân văn. Sinh viên kinh doanh tốt nghiệp từ các trường có danh tiếng hơn có thu  nhập trung bình cao hơn so với những sinh viên từ trường có danh tiếng ở mức trung bình và thấp. 

Trong khi đó, việc theo học tại các trường đại học lâu đời nhất thế giới không tạo ra sự khác biệt về thu nhập đối với sinh viên chuyên ngành STEM. 

Vì vậy, các sinh viên xã hội học thường có xu hướng chọn các trường có tỉ lệ cạnh tranh cao hơn để mang lại lợi thế hơn cho mình về lâu về dài.

Mối quan hệ giữa việc chọn trường với nam sinh và nữ sinh

Nghiên cứu của Ge (2018) tiếp tục mở rộng từ công trình nghiên cứu của Dale và Krueger bằng cách xem xét ảnh hưởng của việc học tại các trường đại học danh tiếng đối với cả nam và nữ. Họ phát hiện rằng việc theo học tại các trường danh tiếng không giúp làm tăng thu nhập đáng kể cho cả nam và nữ. 

Ngoài ra, nghiên cứu của Ge còn đưa ra một kết luận thú vị rằng việc học tại các trường có điểm SAT trung bình cao hơn 100 điểm sẽ làm tăng khả năng tham gia vào lực lượng lao động của phụ nữ tăng lên 2.3 %, và tăng cơ hội theo học các chương trình như Thạc sĩ hay Tiến sĩ của họ lên 4.8%. Và việc chọn trường cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định kết hôn của họ, thường lùi lại ra ngoài 30 tuổi và đối tượng họ sẽ kết hôn – thường có bằng cấp cao hơn.  

Danh Tiếng của Trường Đại Học và Quá Trình Tuyển Dụng

Mặc dù có dữ liệu chỉ ra điều ngược lại, nhưng nhà tuyển dụng vẫn tiếp tục tuyển dụng các tân cử nhân từ những trường đại học danh tiếng. Theo một khảo sát của Indeed về chi phí của một trường đại học hàng đầu, 29% quản lý cấp cao cho biết họ thích tuyển dụng ứng viên tốt nghiệp từ những trường hàng đầu; 48% số người tham gia khảo cho biết nơi mà ứng viên tốt nghiệp là một “một phần quan trọng” để quyết định trong quá trình tuyển dụng; và 47% số người tham gia khảo sát cho rằng nhân viên từ những trường hàng đầu có năng lực làm việc ngang với những đồng nghiệp khác được tuyển vào công ty họ nhưng những người này không tốt nghiệp từ những trường danh tiếng bằng. 

Khi được hỏi về đặc điểm của những người làm việc xuất sắc, 72% quản lý tham gia khảo sát đề cao khả năng hợp tác, làm việc nhóm; 71% đánh giá cao tư duy chiến lược và 66% rất coi trọng tinh thần tự phát triển và trau dồi bản thân của mỗi nhân viên, và cuối cùng mới đến tên tuổi của trường mà nhân viên họ tốt nghiệp ra. 

Cuộc khảo sát của Indeed cũng nhấn mạnh rằng bằng cấp của các trường đại học ưu tú sẽ đóng vai trò quan trọng hơn đối khi các công ty tìm kiếm các vị trí khởi điểm hơn là ở bậc bậc trung.

Hiệu Suất Làm Việc của Cựu Sinh Viên Tốt Nghiệp từ Các Trường Đại Học Danh Tiếng

Tương tự như khảo sát của Indeed, nghiên cứu của Taras (2019) chỉ ra rằng tốt nghiệp từ trường đại học nào ra không phản ảnh được hiệu suất làm việc của nhân viên. Họ theo dõi hiệu suất của 28,339 sinh viên tham gia vào các nhóm dự án tư vấn doanh nghiệp quốc tế ở nhiều nước khác nhau, và tốt nghiệp giữa các trường có thứ hạng khác nhau thì chênh lệch hiệu suất làm việc người tốt giữa trường thứ hạng cao và thứ hạng trên trung bình chỉ là 1.9%. Và điểm thú vị là, những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu có thành tích tốt hơn một chút so với những sinh viên tốt nghiệp khác, những người này có xu hướng tập trung nhiều hơn vào việc hoàn thành các đầu việc và tỏ ra ít cam kết và gắn kết đối với đội nhóm của mình.

Qua những nghiên cứu trên, thật sự sẽ không có câu trả lời đúng sai cho “Việc chọn trường đại học có quan trọng không?” mà chỉ có câu trả lời đâu sẽ là trường Đại học phù hợp nhất với hoàn cảnh và mục tiêu của gia đình bạn. APUS hy vọng thông tin này sẽ giúp ích cho các phụ huynh và học sinh trước khi quyết định ra môi trường Đại học phù hợp với mình.