Thật sự có công thức đậu MIT?

Bài viết thứ hai trong series sẽ về Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) – một ngôi trường quá đỗi quen thuộc với hầu hết những ai muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu hay kỹ sư hàng đầu trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ. 

Để trả lời cho câu hỏi: MIT tìm kiếm điều gì ở ứng viên? APUS xin trích dẫn thông tin từ Ben Jones, cựu Giám đốc Bộ phận Truyền thông tại Văn phòng Tuyển sinh MIT, cũng như từ Văn phòng tuyển sinh của trường. 

Có nhiều cuộc thảo luận về “công thức đặc biệt để bạn tiến thẳng vào MIT” diễn ra sôi nổi trên rất nhiều diễn đàn phần nào khiến tôi thất vọng. Và tôi thấy mình cần có trách nhiệm để dập tan những lời đồn này. 

Việc cố gắng đo đạc quy trình tuyển sinh với một công thức nhất định chẳng khác gì bạn đang định nghĩa cuộc đời mình bằng một công thức. Chẳng khác gì bạn đang giải thích ý nghĩa của thơ ca bằng toán giải tích. Nếu làm vậy, bạn đang lấy đi cái phần “con người” vốn mang lại ý nghĩa nhân văn quan trọng nhất trong bộ hồ sơ.

Nếu từng theo dõi các hồ sơ trúng tuyển MIT, bạn sẽ thấy SAT hay thành tích, xếp hạng học tập không phải là yếu tố quyết định trong những bộ hồ sơ này. Thay vì thế, bạn sẽ có thể bắt gặp hình ảnh một cậu bé có niềm yêu thích đặc biệt với xe lửa từ nhỏ và nỗ lực mọi cách để có được một vị trí thực tập trong Hệ thống đường sắt Mỹ Amtrak ngay cả trước khi cậu đủ tuổi lái xe. Hay là câu chuyện về cô gái thường đến trường hàng ngày bằng xe buýt, nơi cô kết thân với người tài xế lái xe và được truyền cảm hứng để trở thành một giáo viên. Hoặc câu chuyện về những tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh của một cô bé với niềm say mê với chiếc máy ảnh và nghệ thuật.  

Tất nhiên, để vào được MIT bạn sẽ cần một bảng điểm “đủ đẹp”. Nhưng hầu hết ai ứng tuyển vào MIT cũng đều đạt được điều này, nên thành tích học tập tốt chưa bao giờ là yếu tố quyết định để vào MIT. Vậy điều gì quan trọng với ban tuyển sinh khi duyệt hồ sơ vào MIT?

Hội đồng tuyển sinh MIT thường tìm kiếm những ứng viên thoả mãn một số tiêu chí như sau:

Tầm nhìn phù hợp với sứ mệnh của MIT

Hãy nhớ rằng có nhiều cách để làm cho thế giới tốt đẹp hơn, bạn không nhất thiết phải là người chữa khỏi tất cả các bệnh truyền nhiễm trên thế giới vào năm 15 tuổi. Việc bạn dành thời gian dạy kèm toán cho một đứa trẻ cũng là một cách sẽ thay đổi thế giới, hay việc bạn nỗ lực vận động một nghị sĩ sửa đổi chính sách phù hợp hơn cũng góp phần thay đổi thế giới. Có hàng ngàn ví dụ và hành động bạn có thể làm để đóng góp cho cộng đồng. 

Tinh thần hợp tác

Tinh thần cốt lõi của MIT được thể hiện qua việc sẵn sàng hợp tác với người khác. Trường tạo ra nhiều vấn đề để các nhóm, các phòng thí nghiệm có thể cùng phối hợp giải quyết. MIT được biết đến với nhiều nghiên cứu liên ngành. Bạn có thể lựa chọn làm việc một mình, nhưng sẽ khá khó đề hoà nhập trong môi trường của MIT.

Nhạy bén với những sáng kiến

Có rất nhiều cơ hội ở MIT, nhưng nếu thiếu đi sự chủ động, bạn sẽ không thể dễ dàng nắm bắt được những cơ hội nghiên cứu, các khoản tiền đầu tư từ bên ngoài, hay những bài giảng thú. 

Không ngại đón nhận rủi ro

MIT muốn chiêu nạp những người không chỉ biết lập kế hoạch để thành công, mà còn không bao giờ khuất phục trước thất bại. Sinh viên MIT không chỉ học cách đối mặt rủi ro trong cuộc sống, mà còn tôi luyện cho mình tinh thần không bỏ cuộc. Bất cứ ai không ngừng sáng tạo để thành công tại đây đều hiểu rằng thất bại là một phần của cuộc sống và chỉ cần bạn không bỏ cuộc, bạn chắc chắn sẽ hiện thực hoá được mục tiêu của mình. 

Sáng tạo không ngừng

MIT là một môi trường năng động, đầy tính ứng dụng. Xắn tay vào thực hiện và thử một điều gì đó mới là cách tốt nhất để đạt được thành công. Chính vì thế mà cộng đồng MIT luôn đề cao và coi trọng motto: “Trí óc và Bàn tay.” Hiểu theo một cách đơn giản hơn: Đừng chỉ ngồi đó suy nghĩ, hãy hành động.

Cường độ làm việc cao, trí tò mò và lòng hứng khởi 

Bạn nên đầu tư thời gian và công sức vào những thứ thực sự có ý nghĩa đối với bạn. Hãy mạnh dạn khám phá nhưng đừng quên tập trung vào chất lượng thay cho số lượng. Bạn không cần phải làm một triệu việc để chứng minh mình có thể vào đại học. Hãy đặt tâm huyết của bạn vào một vài điều mà bạn thực sự quan tâm là đủ.

Đặc trưng của cộng đồng sinh viên MIT

Sinh viên MIT luôn biết quan tâm, chăm sóc và nâng đỡ lẫn nhau. Họ cũng biết cách truyền cảm hứng cho nhau để làm việc và cùng ước mơ vượt ra ngoài tiềm năng của họ. Chính vì vậy. MIT luôn tìm kiếm những người duy trì những người coi trọng điều này. 

Biết cách cân bằng cuộc sống

Học sinh không chỉ cần học cách học và làm việc năng suất, mà còn cần tìm ra những phương thức giúp mình cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân. Một trong những chủ đề bài luận thường gặp khi nộp vào MIT là: “Bạn thường làm điều gì để cảm thấy vui vẻ?!” để giúp trường biết được cách bạn cân bằng cuộc sống của mình. 

Từ những tiêu chí nêu trên, bạn có thể thấy điều mà MIT luôn nhìn vào cách một học sinh đón nhận thế giới này, cách họ đối xử với người khác, cách họ thể hiện niềm đam mê thật sự của mình với một điều gì đó. 

Điều mà tôi muốn gửi đến các ứng viên quan tâm đến MIT: hàng năm MIT vẫn buộc phải loại đi rất nhiều “mảnh ghép hoàn hảo”, trong đó cả những học sinh chứng minh được với trường  lòng nhiệt huyết, tình yêu với cuộc sống và mối quan tâm chân thành đến những người xung quanh. Lý do chính bởi vì số lượng hồ sơ nộp vào trường lớn gấp nhiều lần so với số lượng ứng viên mà trường có thể nhận học.  

Tôi hoàn toàn thấu hiểu cảm giác của những thí sinh trượt MIT mỗi năm. Thật không dễ chịu khi phải đối mặt với cảm giác bị từ chối. Nhưng cá nhân tôi cho rằng việc không đỗ MIT hoàn toàn không phản ánh được gì nhiều về bạn và những gì bạn sẽ làm để góp phần làm nên thế giới trở nên tươi đẹp hơn. Đây hoàn toàn không phải là lời an ủi từ tôi, mà đó chỉ đơn giản là sự thật.