Toàn cảnh quá trình chọn lọc ứng viên của Đại học Stanford

Đại học Stanford thường được biết đến là một trong những trường Đại học Mỹ có tỉ lệ trúng tuyển thấp nhất của Mỹ, thậm chí thấp hơn cả của Harvard. Mỗi năm trường nhận được hơn 40,000 hồ sơ mỗi năm nhưng chỉ có dưới 5% trong số này được nhận học. 

Một câu hỏi mà APUS thường xuyên nhận được từ học sinh và các phụ huynh quan tâm đến các trường Mỹ, đó là: Các trường đang tìm kiếm điều gì ở ứng viên? Chúng tôi quyết định tạo ra một series các bài viết tổng quan cung cấp những thông tin có chọn lọc để giúp mọi người hiểu hơn về “khẩu vị” xét tuyển của các trường Đại học hàng đầu của Mỹ, từ đó để đo “tính phù hợp” giữa mình và trường.  

Series đầu tiên sẽ trả lời cho câu hỏi: Stanford tìm kiếm điều gì ở ứng viên?

Quá trình tuyển sinh của Stanford diễn ra như thế nào? 

Giống như hầu hết các trường đại học, Stanford áp dụng phương pháp xét tuyển tổng thể (holistic review) khi tiếp cận và xem xét các hồ sơ nộp vào trường. Điều đó nghĩa là gì? Tức là mỗi thành phần của hồ sơ được xem xét với trọng lượng đều nhau, không thành phần nào được đặc biệt được ưu ái hơn những thành phần còn lại. Như vậy, mọi thông tin liên quan đến học thuật và bên ngoài học thuật của ứng viên sẽ được cân nhắc ngang nhau. 

Stanford không sắp xếp các hồ sơ một cách ngẫu nhiên.  Các đơn được xếp cẩn thận theo một trình tự giúp cán bộ tuyển sinh có được tất cả thông tin cần thiết từ ứng viên. Một số thành phần của hồ sơ sẽ giúp nhân viên tuyển sinh hiểu hơn về kinh nghiệm sống, câu chuyện cá nhân và tính cách của ứng viên, trong khi một số phần khác cho lại cho biết về những gì học sinh đạt được trong học tập và mối quan tâm về nghề nghiệp tương lai.

Thư giới thiệu là một cách để trường biết được những người xung quanh đang nghĩ gì về bạn. Còn bài luận là cơ hội để ứng viên thể hiện cho trường thấy những điểm độc đáo và quan trọng ở con người bạn mà trường nên biết được. 

Hội đồng tuyển sinh Stanford hướng đến mục tiêu gì?

Hội đồng tuyển sinh Stanford xem xét toàn diện hồ sơ của bạn, xem xét nhiều yếu tố cả học thuật và ngoài học thuật, nhưng mục tiêu cuối cùng của họ là gì? Họ đo lường những yếu tố này để làm gì? Ban tuyển tuyển sinh của trường cho biết thông qua những thành phần này, họ có thể tìm cách hiểu bạn, với tư cách là một con người, bạn sẽ phát triển, đóng góp và tiến xa hơn như thế nào tại Stanford, và Stanford sẽ thay đổi bạn như thế nào. 

Nói cách khác, Stanford đang tìm kiếm những ứng viên phù hợp với trường và ngược lại. Họ không chỉ quan tâm đến những gì trường có thể trang bị cho bạn trong quá trình theo học trường, mà còn xét xem bạn có thể mang lại lợi ích gì cho cộng đồng trường. Ngoài ra, các nhân viên tuyển sinh luôn tìm kiếm những ứng viên có kinh nghiệm, sở thích học tập và nền tảng đa dạng để tạo ra một môi trường độc đáo và làm phong phú hơn cho cộng đồng sinh viên trường.

Một hồ sơ được xem xét bao nhiêu lần trong một mùa tuyển sinh?

Mặc dù cách thức điền đơn không hẳn quan trọng, nhưng việc hiểu được quy trình cũng đem lại nhiều thông tin và cái nhìn có ích cho bạn. Đầu tiên, sẽ có hai chuyên viên tuyển sinh xem xét và chấm điểm hồ sơ của bạn. Họ sẽ đánh giá sơ bộ về hồ sơ bao gồm điểm số để xác định xem ứng viên có đủ cạnh tranh về học thuật hay không trước khi tiến hành phân tích sâu hơn về hồ sơ. Tiếp đó, khi hồ sơ đã qua được những tiêu chí vòng đầu, hồ sơ sẽ được gửi đến một hội đồng lớn hơn “chấm điểm” và bỏ phiếu lựa chọn ứng viên phù hợp.

Vậy, Đại học Stanford tìm kiếm điều gì ở ứng viên? 

Năng lực học tập

Đại học Stanford trước hết được biết đến là một tổ chức học thuật. Do đó, một trong những yếu tố quan trọng nhất mà các nhà tuyển sinh xem xét là kết quả học tập của bạn, và những nỗ lực mà bạn bỏ ra để đạt được những kết quả này. Mặc dù Stanford không đưa ra điểm trung bình hoặc điểm kiểm tra tối thiểu hay yêu cầu bất kỳ số lượng các lớp APs (lớp học nâng cao) mà bạn cần lấy và đưa vào trong bảng điểm nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn chỉ nên theo học các lớp dễ và an toàn hoặc hài lòng với số điểm bình bình của mình.

Ngoài ra, ứng viên cũng nên lấy các bài thi SAT hoặc ACT để coi đấy là cách để cải thiện thành phần học thuật của bạn. 

Khao khát học hỏi và nâng cao kiến thức

Đội ngũ nhân viên tuyển sinh của Đại học Stanford đang tìm kiếm những sinh viên có chí hướng và đam mê phát triển tri thức. Họ muốn đảm bảo rằng sự phát triển của bạn không chỉ dừng lại ở trường trung học mà còn ở bậc Đại học và xa hơn nữa. 

Cán bộ tuyển sinh luôn muốn nhìn thấy được ở các ứng viên sự tò mò và hứng thú nhất định, tính chủ động trong suy nghĩ và hành động của ứng viên để tiếp cận với những kiến thức mới. Sự khát khao học hỏi này không chỉ ở trên lớp mà còn được mở rộng ra ở quy mô lớn hơn trong cộng đồng trong và ngoài trường. Và ứng viên cần chứng minh điều đó thông qua những hoạt động học thuật, ngoại khoá từ quá khứ đến thực tại và kết nối với những dự định bạn sẽ làm trong tương lai. 

Thành tích hoạt động ngoại khoá

Có một quan niệm sai lầm đáng tiếc mà nhiều người nộp đơn mắc phải. Nhiều người lầm tưởng chỉ cần kết quả học tập là đủ để vào các trường đại học hàng đầu và cho rằng những gì đạt được ngoài trường lớp không quá quan trọng trong hồ sơ.

Trên thực tế, ban  tuyển sinh tại Stanford xem xét rất kĩ cả yếu tố học thuật và bên ngoài học thuật để cân nhắc ứng viên được chọn hay từ bị từ chối.

Stanford cũng từng tuyên bố rằng: “Việc tìm hiểu về các hoạt động ngoại khóa và sở thích ngoài học thuật của bạn sẽ giúp chúng tôi hiểu được những đóng góp tiềm năng của bạn cho cộng đồng Stanford.” Nếu muốn tăng cơ hội được nhận vào Stanford, học sinh cần đầu tư thời gian và sức lực để theo đuổi các hoạt động ngoại khóa càng sớm càng tốt.

Bên cạnh đó, ban tuyển sinh của trường quan tâm nhiều đến các hoạt động ngoại khoá chất lượng hơn là số lượng các hoạt động. Một ứng viên tham gia một hoặc hai hoạt động ngoại khóa chất lượng sẽ tốt hơn là tham gia liên tiếp nhiều hoạt động nhưng không tạo ra bất cứ ảnh hưởng gì ấn tượng. Trường gợi ý các học sinh cấp 3 có thể nên thử một số hoạt động ở năm đầu trung học và chọn ra một hoặc hai hoạt động để tiếp tục theo đuổi cho đến khi tốt nghiệp trung học. Bằng cách này, học sinh có đủ thời gian để phát triển các kỹ năng trong một lĩnh vực nhất định, phát triển mối quan tâm thật sự, tạo tác động tích cực thông qua những hoạt động này. 

Hoàn cảnh gia đình

Cũng giống nhiều trường Mỹ, Đại học Stanford xem xét tất cả các thành phần trong hồ sơ bao gồm yếu tố gia cảnh. Cán bộ tuyển sinh biết rằng sinh viên có các hoàn cảnh gia đình khác nhau, đối mặt với những thách thức khác nhau và có những trách nhiệm khác nhau. Do đó, trường sẽ xem xét thành tích mà ứng viên đạt được trong từng hoàn cảnh cụ thể.  Nên nếu bạn không đạt được kết quả học thuật xuất sắc hay có được những hoạt động ngoại khóa nổi trội, bạn cũng không nên tự ti và ngần ngại ứng tuyển. Vì vậy, hãy mô tả thật chi tiết và trung thực về hoàn cảnh gia đình của mình trong hồ sơ, đặc biệt trong phần luận. 

Hội đồng tuyển sinh mong muốn gì ở cuộc phỏng vấn với bạn? 

Các ứng viên thể hiện tốt trên hồ sơ sẽ nhận lịch phỏng vấn trực tiếp với đại diện trường. Mặc dù vòng phỏng vấn không mang tính quyết định xem ứng viên nào đỗ hay trượt nhưng chắc chắn rằng, trường cũng sẽ căn cứ vào ý kiến từ người phỏng vấn để xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng của họ. Thông thường, Stanford sẽ mời cựu sinh viên trường phỏng vấn các ứng viên tiềm năng và sau đó, họ sẽ nói chuyện trực tiếp với hội đồng tuyển và cho biết ấn tượng của họ về ứng viên và liệu ứng viên có phù hợp với trường hay không.

Những người tham gia phỏng vấn mong đợi điều gì từ ứng viên?

Sẵn sàng học hỏi nhiều hơn

Cuộc phỏng vấn này giống như một cuộc trò chuyện giữa hai phía. Các câu hỏi được đặt ra một cách ngẫu nhiên và tự nhiên. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không nên chuẩn bị trước một số câu hỏi để hỏi lại người phỏng vấn.

Chủ đích các cuộc phỏng vấn giữa các cựu sinh viên Stanford và ứng viên nhằm giúp ứng viên tìm hiểu thêm thông tin về trường thông qua người phỏng vấn. Bạn sẽ ghi điểm nếu thể hiện ra được sự cởi mở và háo hức muốn tìm hiểu nhiều hơn về trường nữa cũng cho những người phỏng vấn thấy rằng bạn thực sự mong mỏi tìm hiểu về trường. 

Kiến thức đã biết về trường

Mặc dù bạn đã chuẩn bị sẵn rất nhiều câu hỏi chỉ để dành cho buổi phỏng vấn, nhưng cũng đừng xuất hiện mà không tìm hiểu bất cứ điều gì về Stanford. Các câu hỏi nên xoay quanh những điều bạn không thể tìm thấy được qua các khóa học trực tuyến hay các thông tin được đăng ở trên các kênh thông tin. 

Tóm lại, trước khi phỏng vấn, bạn nên tìm hiểu kỹ về những hỗ trợ và nguồn lực cụ thể mà bạn sẽ tận dụng nếu được nhận vào Stanford. Việc biết trước các lớp học bạn hứng thú, câu lạc bộ bạn muốn tham gia và các giáo sư bạn muốn học hỏi không chỉ cho thấy rằng bạn quan tâm đến việc theo học tại Stanford, mà còn giúp bạn hiểu rõ Stanford có thể giúp được bạn những gì trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu học tập và nghề nghiệp của bạn trong tương lai. 

Cách bạn thể hiện bản thân

Mặc dù Stanford nhấn mạnh rằng đây không phải là cuộc phỏng vấn quá trang nghiêm, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên quá “hồn nhiên” muốn mặc gì cũng được. Một bộ vest và cà vạt cũng không thật sự cần thiết, nhưng một chiếc áo sơ mi cài cúc đẹp hoặc áo phông và quần âu cũng sẽ giúp bạn thể hiện sự tôn trọng với người phỏng vấn. Bên cạnh đó, bạn nên có mặt đúng giờ, nói rõ ràng và trình bày tổng thể một cách chuyên nghiệp và phù hợp.