đại học danh tiếng

Tốt nghiệp Đại học Mỹ danh tiếng có thật sự quan trọng?

Trung bình có khoảng 2 triệu công dân Mỹ nộp đơn vào Đại học mỗi năm. Phần lớn ứng viên sẽ nhắm vào các trường địa phương, danh tiếng bình thường, không cần phải có tài trợ hàng tỷ đô. Nhưng với những ai nộp đơn vào các đại học danh tiếng nhất nước Mỹ, quá trình ứng tuyển cực kỳ tốn kém và căng thẳng. 

Các bậc phụ huynh Mỹ chi gần nửa tỷ đô mỗi năm cho các tư vấn viên giáo dục, chưa kể chi phí cho các bài thi chuẩn hóa, phí di chuyển, ăn ở khi đến thăm các khuôn viên trường học. Cuộc đua nước rút không hồi kết này khiến không ít người kiệt sức. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu việc theo học tại một đại học ưu tú có thật sự quan trọng?

Câu trả lời dường như quá rõ: Tất nhiên là quan trọng. Sao lại không quan trọng khi khối Ivy League và các trường tương đương cung cấp chất lượng giáo dục đẳng cấp thế giới? Tại đây, sinh viên được hỗ trợ suốt đời từ những cựu sinh viên (alumni), được kết nối đều đặn với các nhà tuyển dụng để họ thấy bạn là một tài năng trong tương lai. Đại học không chỉ có mỗi giáo dục kiến thức, đại học là mạng lưới để kết nối, một tín hiệu cá nhân và một danh tính của chính bạn. 

Tuy vậy, các trường danh tiếng này được cho rằng không cung cấp được chất lượng tương xứng cho giới thượng lưu Mỹ dù cho có khoảng 45% tỷ phú Mỹ và một nửa trong danh sách giới quyền lực của Forbes đã theo học tại các trường có số sinh viên nhập học đạt điểm SAT thuộc top đầu. 

Vào tháng 11 năm 2002, Tạp chí The Economics đã xuất bản một bài báo mang tính bước ngoặt của các nhà kinh tế học Stacy Dale và Alan Krueger, trong đó đưa ra một kết luận rằng: Không xác định được sự liên hệ giữa việc học tại các trường chọn lọc cao và khả năng tăng lương sau này, độ tương quan gần như bằng 0. Nói cách khác, nếu Mike và Drew có cùng điểm SAT và nộp hồ sơ vào cùng trường đại học danh tiếng, nhưng Mike vào Harvard còn Drew thì không, họ vẫn có thể kiếm được cùng một mức thu nhập trong suốt sự nghiệp của mình. Bất chấp sự nổi tiếng toàn cầu của Harvard, một số người như Mike sẽ không trải qua “hiệu ứng Harvard”. Hai tác giả trên thậm chí còn phát hiện ra rằng điểm SAT trung bình của tất cả các trường mà học sinh đăng ký là một yếu tố dự báo thành công mạnh mẽ hơn so với chính ngôi trường mà học sinh thực sự theo học. 

Phát hiện này cho thấy rằng tài năng và tham vọng của các ứng viên đáng giá hơn tài nguyên và danh tiếng của các trường đại học danh tiếng. Hoặc, xét về mặt học thuật, bạn của năm 18 tuổi là người dự đoán tốt hơn về thành công trong tương lai của bạn hơn là ngôi trường bạn tốt nghiệp ở tuổi 22. Bài học rút ra ở đây: Hãy tập trung vào thái độ học tập của bạn hơn là đặt nặng về ngôi trường bạn theo học.

Điều này cũng ngụ ý rằng tất cả những lo lắng và thời gian dành cho quá trình tuyển sinh thực chất khá lãng phí. Điều này có đúng không? 

Các nhà Kinh tế học đến từ Virginia Tech, Tulane và Đại học Virginia đã công bố một nghiên cứu mới xem xét lại dữ liệu trong nghiên cứu của Dale-Krueger. Đối với nam giới, nghiên cứu mới không tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc chọn đại học và thu nhập dài hạn. Nhưng đối với phụ nữ, việc “học ở trường có điểm SAT trung bình cao hơn 100 điểm” sẽ có thể giúp họ tăng thu nhập lên 14 phần trăm và giảm tỷ lệ kết hôn 4 phần trăm. Đó là một phát hiện đáng kể. 

Amalia Miller, một đồng tác giả và một nhà kinh tế học tại Đại học Virginia, cho biết: “Sự khác biệt mà chúng tôi nhận thấy là việc chọn trường đại học dường như khá quan trọng, đặc biệt là đối với phụ nữ đã kết hôn, vì sẽ giúp họ tăng thu nhập lên đáng kể.”

Nếu bạn không phải là một nhà kinh tế học, điều đó nghe có vẻ phức tạp. Nhưng thực ra điều này tương đối đơn giản. Đối với đại đa số phụ nữ, lợi ích của việc đi học tại một trường đại học ưu tú không giúp tiền lương mỗi giờ của họ cao hơn. Mà thực ra là giúp họ có thể làm việc nhiều giờ hơn. Những phụ nữ tốt nghiệp từ các trường ưu tú thường trì hoãn việc kết hôn, trì hoãn việc sinh con và đi làm lâu hơn những phụ nữ tương tự tốt nghiệp từ các trường có tỉ lệ cạnh tranh thấp hơn.

Phát hiện này khiến lý thuyết “chọn không tham gia” (opting out) thêm phức tạp. Lý thuyết này cho rằng phụ nữ tốt nghiệp các trường hàng đầu có khả năng nghỉ làm sau khi sinh con. Nhưng trên thực tế, nếu một người phụ nữ theo học các trường danh tiếng, họ sẽ có xu hướng tập trung vào sự nghiệp hơn là nghỉ việc ở nhà và phục vụ gia đình.

Các trường tỉ lệ chọi cao cũng giúp cải thiện cuộc sống của gia đình dân tộc thiểu số và học sinh có cha mẹ không được học đại học. Một nghiên cứu năm 2017 của nhà kinh tế Raj Chetty chỉ ra rằng những sinh viên xuất phát điểm từ gia đình thu nhập thấp nhưng có cơ hội học tại một đại học ưu tú như Columbia University có cơ hội kiếm được thu nhập ở trong top 1% của Mỹ cao hơn nhiều so với những sinh viên ở một trường đại học công lập khác, chẳng hạn như Stony Brook ở Long Island.

Tại sao các trường ưu tú lại giúp cải thiện tốt khả năng của các ứng viên thuộc các nhóm thiểu số, mà không phải cho những gia đình da trắng giàu có, mặc dù họ học cùng một giáo sư, ngồi cùng một giảng đường và làm bài kiểm tra như nhau? Hãy nhớ rằng, học đại học không chỉ là bị động nhận được hướng dẫn từ người khác. Trẻ em từ các gia đình giàu có thường dựa vào sự giúp đỡ của cha mẹ để có được những công việc thực tập có chọn lọc cao và những công việc có thu nhập cao. Đối với những đứa trẻ khác, các trường ưu tú luôn giúp kết nối sinh viên của họ tới những nhóm công việc cạnh tranh nhất trên thị trường.

Vậy câu trả lời cho câu hỏi ở đầu bài “Liệu đại học danh tiếng có phải là yếu tố quan trọng?!” là: Còn phụ thuộc vào bạn là ai. Nếu theo số liệu thống kê như hiện nay, có vẻ các trường đại học ưu tú sẽ không mang được gì nhiều  giá trị vật chất cho những người da trắng giàu có. Nhưng nếu bạn không giàu, không phải da trắng, hoặc không phải đàn ông, thì ảnh hưởng của việc học đại học ưu tú là rất lớn. Việc này giúp tăng thu nhập cho người thiểu số và sinh viên có thu nhập thấp, đồng thời khuyến khích phụ nữ trì hoãn việc kết hôn và đi làm thêm, mặc dù không tăng lương mỗi giờ của họ.