Logo
(+84) 98 2028 888(+84) 98 5555 468
Đặt lịch tư vấn

Vì Sao Viết Vẫn Là Một Kỹ Năng Quan Trọng Thời Ai

6th May, 2025

Trong cái thời mà ra đường mở tờ báo ra là các từ khóa như GenAI, AGI, AI agents hay bất cứ cái gì như vậy xuất hiện ngay trước mắt, có khi nào bạn tự hỏi là “chúng ta liệu có nên học viết nữa hay không khi mà mấy con này viết ngay được rồi?”

Ví dụ sáng ra mình lười lười, chỉ cần ra lệnh là mấy con bot viết ngay ra được cái email cho đồng nghiệp, bình luận về kế hoạch giảng dạy của người ta (tui dạo này phải ôm vai trò gọi là lãnh đạo học thuật nên phải có trách nhiệm ôm vào mấy vụ này). Hoặc lười lười thì mình lăn ra bảo con bot tóm tắt và bình luận về báo cáo của một bạn junior analyst gửi mình review trước khi mình bắt tay vào thật sự comment. Và gần nhất là viết email thay vợ để từ chối bán nhà cho một người quen.

Sau khi con bot làm xong hết thì mình cũng phải bắt tay vào sửa và hiện tại 90-99% cái gì nó làm là mình phải sửa, nhưng rồi nó sẽ tốt lên dần dần. Quan trọng là nó có sẵn rồi thì mình có động lực ngồi sửa.

Vậy có khi nào mai mốt bỏ qua luôn cái khâu sửa, và con bot làm ngon lành hết? Và liệu chúng ta có còn cần kỹ năng viết nữa không?

Mình sẽ đưa ra một vài góc nhìn vì sao kỹ năng viết theo mình vẫn là rất quan trọng, ít nhất cho 2 cái nghề mình biết, đó là làm research ở đại học và hai là làm research cho công ty đầu tư (chứng khoán, quỹ, .v.v).

NẾU BẠN KHÔNG TỰ VIẾT, THÌ BẠN KHÔNG BAO GIỜ CÒN BIẾT PHẢI SỬA NHƯ THẾ NÀO NỮA CẢ.

Tương lai xa mình không biết sao, chứ tương lai 10-15 năm khi mình còn làm việc thì chắc chắn là với những công việc được trả lương trên mặt bằng bình quân của xã hội, năng lực của con bot không thể đáp ứng được chất lượng mà người ta sẵn sàng trả tiền cho bạn.

Người ta trả tiền cao cho chất lượng, không phải số lượng bạn tạo ra. Sản phẩm chất lượng thấp, số lượng nhiều thì các con bot đã làm được rồi.

Tụi nó chưa làm được chất lượng cao, và đó là thứ mà người ta trả tiền cho bạn: ra được một sản phẩm viết chỉnh chu, chất lượng cao, không lỗi, không chế data, không chém gió quan điểm. Và người ta sẵn sàng trả rất nhiều tiền, đó là điều mà mình tin tưởng.

Quan trọng hơn, khi mà sản phẩm do AI làm ra ngày một nhiều, thì điều mà đa số các bạn cần làm là tổng hợp, điều chỉnh, và phân tích thông tin, cũng như làm ra một bản draft cuối cùng chỉnh chu, dễ đọc, để đưa sếp.

Và đây chính là vì sao bạn phải tự viết thường xuyên.

VIẾT ĐỂ HIỂU, ĐỂ BIẾN KIẾN THỨC THÀNH CỦA MÌNH

Và quan trọng hơn, khi bạn viết ra, là bạn đang học một lần nữa và tổ chức suy nghĩ cho rõ ràng.

Thường mình cảm thấy các bài presentation của mình luôn tốt hơn khi mình soạn nó từ một report do chính mình viết ngay từ đầu 50% trở lên, thay vì một report do 1 team viết hoặc đa số là junior analyst/ junior academics viết trước, và mình sửa lại. Dù đa số trường hợp mình là người đập ra làm lại khá nhiều, nó vẫn là sản phẩm mình gọt dũa cái đã có, chứ mình không thật sự nắm linh hồn của cái report. Mình chỉ vẽ lại cái bề ngoài, làm lại hình dạng, nhưng cái gốc vấn đề mình không thể nắm chắc bằng cái report mình start ngay từ đầu.

Trong khi đó, nếu một project hay report mình lên ý tưởng, cấu trúc, câu chuyện ngay từ đầu, tức là mình vẽ cái khung xương cho các bạn đắp đất lên, thì mình nắm toàn bộ mạch câu chuyện và mình nhắm mắt mình cũng có thể biến hóa câu chuyện cho bất kỳ một nhóm sinh viên/khách hàng/đối tác nào trong vòng chưa tới 1 tiếng đồng hồ. Thậm chí là ngồi trên taxi mình không làm gì cũng có thể tưởng tượng và sắp xếp lại ý tưởng cho từng slide để vừa xuống taxi mở laptop ra là sau 15 phút đã làm lại được một bộ slide 15-20 cái hoàn toàn mới.

Bạn không thể làm như vậy nếu cái bộ slide cũ là bạn đi kêu người ta soạn trên cái nền report bạn không nắm chắc. Còn khi bạn đã biến cái report thành của bạn, thì không quan trọng cái slide do ai soạn, bạn có thể dễ dàng biến nó thành của bạn, xào nấu, thêm gia vị các kiểu và ra cái mà bạn muốn rất nhanh.

Chính vì vậy mình vẫn luôn mỗi ngày cố gắng tự viết rất nhiều thứ, thậm chí là viết lại một thứ đã được viết, để trước tiên là mình HIỂU, sau đó là NHỚ, và cuối cùng là BIẾN NÓ THÀNH CỦA MÌNH.

Cái này bạn sẽ cảm thấy rất quan trọng nếu bạn làm những cái nghề mà phải đi trình bày ý tưởng với khách hàng/đồng nghiệp/đối tác/sinh viên. Có nhiều người dùng bot hỗ trợ, dù là AI hay bot chạy bằng cơm, khi đi present bị hỏi cái là im luôn, không biết trả lời hoặc chỉ chém gió cho qua. Người ít có hiểu biết thì có thể bị lừa, nhưng lên tới trình độ cao là người ta nhìn vào là biết bạn không biết gì, chém gió, và người ta đánh giá thấp bạn.

Vì vậy, viết ra một thứ chính là bạn học và biến nó thành thứ của mình. Còn sử dụng tools để làm thay nhiều quá, thì một là bạn tự viết ngày càng dở, hai là bạn thật sự không nắm được cái sản phẩm cuối cùng, ba là bạn không còn biết phải sửa gì mà phải học vẹt cái đồ được soạn ra đó. Kết quả là bạn rất dễ bị việt vị trong những tình huống đi present bị hỏi bất chợt.

VIẾT ĐỂ RÈN TƯ DUY PHẢN BIỆN VÀ ĐỂ KHÔNG MẤT THỜI GIAN LÀM MỘT DỰ ÁN VÔ ÍCH

Đôi khi mình bắt đầu làm một research project hay viết 1 report để recommend về 1 công ty, mình đặt bút xuống viết, sau một hồi viết xong, mình bỏ luôn cái project đó hay cái report đó. Bởi lúc ban đầu khi bạn nghĩ qua sơ sơ, bạn thấy cái ý tưởng rất hay, cái trade idea tuyệt vời. Nhưng khi bạn bắt đầu bắt tay vào thật sự viết, bạn sẽ nhận ra là “Ồ, cái này hoàn toàn không có hợp lý”, “Logic sai bét cả”, “Trade idea này phạm quá nhiều lỗi red flag (các dấu hiệu rủi ro khi đầu tư”.

Bạn không thật sự đặt bút xuống, ghép các mảnh ghép trong đầu lại, hoặc bạn nhìn vào một sản phẩm của người ta, thì mình thấy cái gì cũng hay, đẹp. Đến khi bạn thật sự “soi kỹ”, tự viết ra lại câu chuyện, vẽ ra lại cái logic câu chuyện, thì nó không có hợp lý gì cả!

Nhiều khi tiếc công cả ngày trời, nhưng thật ra làm vậy xong tiết kiệm cho bạn cả mấy tháng làm một research project hay ra một cái report xong mới thấy nó là terrible trade idea. Mà lúc đó cắt lỗ là vô cùng đau đớn, vì một là bạn đã đầu tư rất nhiều nguồn lực, tiền bạc, thậm chí lôi kéo nhiều người join vào đó rồi. Nó sẽ dễ dẫn đến rủi ro tiếp theo là bạn tìm cách rescue một cái project chết đó. Tức là lỗ rồi mà không chịu cắt lỗ đó. Kết quả sao thì các anh em trader biết rồi đó.

CUỐI CÙNG, NẾU BẠN KHÔNG THẬT SỰ THƯỜNG XUYÊN VIẾT/LÀM, BẠN SẼ KHÔNG BIẾT PHẢI RA LỆNH CHO CON AI PHẢI LÀM GÌ.

Đây là một sự thật. Mình đã hơn một lần chứng kiến sinh viên và các bạn junior analyst xài AI quậy nát bét bài assignment/report vì không biết mục đích nó phải làm gì, cấu trúc phải ra sao, key message là gì, bạn muốn thuyết phục ai, đâu là mục tiêu cuối cùng, .v.v

Giống như bạn nấu cơm mà không biết các bước cơ bản và nguyên lý, thì đưa cái nồi cơm điện bạn cũng không biết phải làm gì với nó. Cái nồi càng xịn thì càng nhiều chức năng, bạn bấm lộn xộn thì nó cấu ra cơm nhão, cơm sống, cơm cháy đen thui. Hoặc là bạn chỉ biết có mỗi một chiêu nấu cơm trắng thôi, đưa cơm nếp hoặc kêu nấu cháo là không biết nấu.

Đây là tình trạng mà mình nghĩ nhiều người sẽ rơi vào: đưa cho 1 con AI, hoàn toàn không biết phải xài nó như thế nào để làm ra cái bài mà bạn muốn. Bởi vì bạn chưa từng tự viết qua một bài hoàn chỉnh, nên không biết phải kêu nó viết như thế nào cho đúng.

TÓM LẠI BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ KHI BẠN VIẾT?

Khi bạn viết:

– Bạn học, bạn hiểu cái mình viết ra, biến cái đó thành cái của mình (clear writing, clear thinking)

– Bạn biết cần ra lệnh cho AI làm như thế nào để ra một bài viết bạn muốn

– Bạn biết cần sửa bài viết như thế nào để ra một sản phẩm chất lượng tốt hơn thứ mà AI có thể tạo ra.

– Bạn tổ chức lại suy nghĩ rõ ràng, và nhờ đó có tư duy phản biện với chính ý tưởng của mình, để bỏ đi những ý tưởng tệ, giúp bạn tiết kiệm thời gian.

Tác giả: Hồ Quốc Tuấn 

Đăng ký nhận tin

Liên hệ

Tầng 16, Tòa nhà 54A Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

(+84) 98 2028 888

(+84) 98 5555 468

info@apusvietnam.com

© 2015 APUS Vietnam. All right reserved

FaceBookFaceBookYouTubeInstagramTikTokZalo
Đặt lịch tư vấn