Yale từ chối nhiều thí sinh ở vòng sớm hơn trước đây

Theo thống kê từ những mùa tuyển sinh trước, Yale thường có xu hướng trì hoãn việc đưa ra thông báo quyết định cuối cùng đến các thí sinh nộp hồ sơ ở vòng sớm Single Choice Early Action (SCEA) của trường này cho đến sát deadline vòng tuyển sinh tiêu chuẩn (Regular Decision – RD). Tuy nhiên, bắt đầu từ niên khóa 2026, Yale đã “thẳng tay” từ chối phần lớn số lượng hồ sơ nộp vào trường ở vòng sớm sớm hơn so với truyền thống. Và tại vòng sớm của niên khóa 2027, Yale đã từ chối 67% tương đương 7.744 ứng viên nộp vào trường và “treo” (deferred) 21% hồ sơ để tiếp tục xét thêm ở vòng RD và chỉ 10% thí sinh trong này trúng tuyển. 

Theo lời Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học và Hỗ trợ Tài chính Jeremiah Quinlan, sự thay đổi này xuất phát từ việc số lượng thí sinh nộp vào trường tăng vọt lên trong suốt ba chu kỳ tuyển sinh vừa qua và trường muốn ra thông báo sớm hơn để tiếp tục giành thời gian cho việc xem xét lại các hồ sơ bị “treo”. Ngoài ra, một số trường trung học cũng cho rằng Yale nên ra kết quả sớm hơn để tiện cho các học sinh của họ. 

Hai năm trước, Yale bắt đầu nhận thấy số lượng ứng viên đăng ký tăng đột biến. Khóa 2025 ghi nhận lượng ứng viên nhiều nhất trong lịch sử Đại học, đạt gần 47.000. Kỷ lục đó đã nhanh chóng bị phá vỡ khi hơn 50.000 thí sinh đăng ký nhập học vào khóa 2026 – con số lớn nhất hiện tại của Yale. 

Yale chỉ chấp nhận 10% số người đăng ký sớm cho khóa 2027, thấp nhất kể từ khi chương trình Single Choice Early Action (SCEA) của Yale được áp dụng cách đây 20 năm. Đồng thời, 67% thí sinh bị từ chối trong vòng sớm này cũng là tỷ lệ ít nhất kể từ năm 2017.

Cũng giống như Yale, vòng sớm của Stanford, Harvard hay Princeton có cách thức hoạt động tương tự. Thí sinh nộp đơn ở vòng sớm của các trường này thì không được nộp đơn ở bất kỳ tổ chức giáo dục tư nhân nào ở Mỹ (nhưng vẫn có thể tự do nộp đơn vào các trường Đại học hay cao đẳng công lập của Mỹ) hoặc bất kỳ chương trình tuyển sinh nào nằm ngoài Mỹ. 

Dữ liệu thống kê các vòng sớm gần đây nhất của Harvard cho thấy ở niên khóa 2027, tỷ lệ deferred (hồ sơ được hoãn xét tiếp ở vòng RD) của trường này là 78%, và cao hơn tỉ lệ từ chối là 9,5%. Princeton và Stanford từ chối cung cấp dữ liệu này; riêng Stanford thông báo rằng họ sẽ không công bố tỷ lệ trúng tuyển vòng sớm từ năm 2023.

Năm ngoái, Princeton cũng cho biết họ cũng sẽ không công bố số liệu này cả ở vòng sớm hay vòng tiêu chuẩn RD. Trừ Harvard, Yale và Princeton, các trường  Ivy League còn lại bao gồm Brown, Dartmouth, Cornell, Columbia và UPenn tiếp tục áp dụng chính sách Early Decision (ED), đồng nghĩa rằng học sinh sẽ có ràng buộc phải nhập học sau khi được trường nhận. Cornell, Columbia và UPenn không chia sẻ tỷ lệ trúng tuyển ở vòng ED của niên Khóa 2027. Cornell đã ngừng công bố dữ liệu trúng tuyển vào năm 2020 và Upenn cũng làm điều tương tự vào mùa xuân năm ngoái.

Các đại diện tuyển sinh của Columbia, Cornell hay UPenn đều từ chối bình luận về điều này. Riêng đại diện của Princeton cho biết lựa chọn giữ kín dữ liệu tuyển sinh để tránh làm các sinh viên tương lai hoang mang. Các trường này vẫn phải báo cáo dữ liệu tuyển sinh tổng thể hàng năm — chẳng hạn như tổng số học sinh được chấp nhận và tổng số người đăng ký, tuy nhiên, những con số này sẽ được công bố vài tháng sau khi ra quyết định tuyển sinh và không phải lúc nào cũng có sẵn trên trang web của họ.

Riêng đại diện của Yale cho rằng việc công bố thể hiện trường coi trọng “sự minh bạch” trong quy trình tuyển sinh của mình. Theo lời Yale: “Khi thí sinh nắm được các thông số này sẽ giúp họ nhiều hơn khi nộp hồ sơ vào trường. Ngoài ra, Yale cho rằng ngay cả công bố hay không cũng không làm thay đổi tỉ lệ trúng tuyển của trường.”

Mark Dunn (Yale) cũng cũng chia sẻ quan điểm tương tự, phần lớn quy trình tuyển sinh tại các trường có tỉ lệ “chọi” cao như Yale vốn đã “không rõ ràng”. Lý do chính là vì các quyết định của ban tuyển sinh dựa trên nhiều yếu tốt trong đó có hoàn cảnh của các ứng viên, và những cuộc thảo luận này không bao giờ được ghi chép lại. 

Trong một bài viết của mình, Mark Dunn nói thêm rằng ông tin văn phòng tuyển sinh Yale luôn đặt sự minh bạch lên cao nhất có thể. Dunn viết: “Tôi nhận thấy rằng phần lớn sự lo lắng liên quan đến tuyển sinh đại học Mỹ đều bắt nguồn từ việc phụ huynh và học sinh chưa hình dung được quá trình đó thật sự diễn ra như thế nào. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm công khai quá trình xét tuyển thực tế, theo cách tất cả đều có thể hiểu được, nhằm giảm thiểu lo lắng cho mọi người. 

Ông cũng nhấn mạnh rằng mục tiêu của việc chia sẻ số lượng ứng viên được nhận vào mỗi chu kỳ không phải là để “khoe khoang” về tính chọn lọc của Yale mà thay vào đó là để “tăng tính minh bạch và giảm lo lắng” xung quanh quá trình tuyển sinh. Văn phòng Tuyển sinh Yale đã thực hiện một chuỗi podcast dài kỳ chia sẻ thông tin đơn giản về cách thức hoạt động của quy trình tuyển sinh Yale, chứng minh cho nỗ lực của trường trước mục tiêu minh bạch hoá mọi thông tin tuyển sinh của trường này.