5 nguyên tắc “vàng” cho một bài luận nặng ký!

I) Lên ý tưởng viết  

Để có một ý tưởng hay, bạn cần hiểu rõ đề bài và mong đợi của trường cho mỗi câu hỏi. Ngoài việc viết về 1 trong 7 chủ đề (CommonApp) cho bài luận chính, bạn sẽ phải viết các bài luận phụ xoay quanh 3 vấn đề chính: The “you” essay (trường muốn hiểu về tính cách/quan điểm/giá trị sống của bạn và liệu những cá tính/đặc điểm của bạn có phù hợp với văn hoá và giá trị của trường); the “Why us” essay (trường muốn hỏi bạn lý do bạn chọn trường và điều đó có giúp bạn đạt được mục tiêu đề ra hay không?); the Creative essay (là cách trường đánh giá khả năng sáng tạo của bạn và là cách bạn thuyết phục trường mình là con người cá tính, và thú vị).
 
Sau khi suy ngẫm kĩ về các câu hỏi, bạn bắt đầu lên ý tưởng viết. Hãy viết tất cả những ý tưởng xuất hiện trong đầu bạn ra giấy. Tương ứng với mỗi ý là một ví dụ cụ thể. Lựa chọn ra 1-3 ý bạn hài lòng nhất. Dưới đây là một số câu hỏi giúp bạn tìm ra ý tưởng phù hợp: 
 
Nhóm câu hỏi 1: Nghĩ về những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời mình:
– Ký ức khiến bạn cảm thấy hạnh phúc/buồn nhất? Vì sao? Ai là người xuất hiện trong ký ức đó? Ký ức này có ý nghĩa thế nào với bạn? – Quyết định quan trọng nhất với bạn đến thời điểm này? Bạn cảm thấy dễ dàng hay khó khăn khi ra quyết định này? Kết quả ra sao? Bạn có hối hận khi đưa ra quyết định đó? – Lúc nào bạn cảm thấy sợ hãi nhất? Bạn vượt qua nỗi sợ này thế nào?  – Lúc nào bạn chợt nhận ra mình đã lớn? – Phẩm chất/khả năng/kĩ năng nào khiến bạn cảm thấy tự hào nhất về bản thân? Vì sao?
 
Nhóm câu hỏi 2: Nghĩ về những người có ảnh hưởng đến bạn
– Bạn thừa hưởng nét tính cách/ ưu điểm/nhược điểm nào từ bố mẹ? Đâu là nét tính cách/ưu điểm/nhược điểm bạn thích nhất hay ít thích nhất?  – Ai là người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời bạn? Ảnh hưởng của họ có tác động tích cực hay tiêu cực đến bạn? Xuất thân của họ có gì giống hay khác với bạn? – Ai là người bạn muốn đánh đổi tất cả để ở cạnh họ trong một ngày? Tại sao? – Nếu có một tuần ở cạnh một người (còn sống hay đã khuất, nhân vật lịch sử hoặc viễn tưởng), người đó là ai? Điều gì bạn mong muốn họ dạy cho bạn?  – Bạn đã gặp ai có cuộc sống dễ chịu hoặc khó khăn hơn bạn? Bạn thấy ghen tị hay đồng cảm với họ? Tại sao có? Tại sao không? – Ai là người có ảnh hưởng đến những kế hoạch/ước mơ/mục tiêu của bạn? Vì sao? 
 
Nhóm câu hỏi 3: Suy ngẫm về những mốc thời gian/địa điểm quan trọng  – Thời điểm nào trong ngày làm bạn cảm thấy sảng khoái hoặc ủ rũ nhất? Tại sao? – Chốn ưa thích của bạn? Bạn thường đến đó vào lúc nào? Và thường làm gì ở đó? – Nếu được quay trở lại một thời điểm trong quá khứ, sẽ là thời điểm nào? Và bạn muốn thay đổi điều gì khi được quay trở lại đó? – Nơi nào khiến bạn cảm thấy bình an/bất an nhất? Vì sao?
 
Nhóm câu hỏi 4: Những câu hỏi kích thích trí tưởng tượng/đòi hòi sự sáng tạo   
– Vật gì bạn muốn mang theo khi xảy ra hoả hoạn? Vì sao vật đó quan trọng đến vậy với bạn? – Quan điểm/sở thích/nét tính cách nào khiến bạn nghĩ bạn khác với số đông? Tại sao bạn nghĩ vậy? – Thứ gì thuộc sở hữu của bạn (như trí tuệ, sắc tộc, chiều cao, sự hài hước, lòng trung thành,…) sẽ tồn tại mãi mãi? Vì sao bạn nghĩ vậy?  – Thứ gì làm bạn sợ nhất? Thứ gì không đủ để làm bạn sợ? Tại sao? – Những kĩ năng/năng lực (có thể là năng lực siêu nhiên) nào bạn muốn sở hữu nhất? Nếu có được nó, bạn sẽ dùng vào việc gì? – Điều gì hay khiến bạn nản chí?  – Vấn đề/câu hỏi nào luôn thôi thúc bạn đi tìm lời giải?  – Những giá trị truyền thống nào bạn muốn gìn giữ? Những giá trị nào bạn muốn loại bỏ? Tại sao? – Ước mơ nào bạn luôn khao khát thực hiện? Bạn đã lên kế hoạch thực hiện ước mơ đó chưa? Cụ thể như thế nào? – Đâu là thứ quan trọng nhất đối với bạn? Tiền bạc? Địa vị? Danh tiếng?… Và bạn sẽ làm gì để đạt được điều đó?
 
Nhóm câu hỏi 5: Tìm ra những điểm đặc biệt 
– Ba tính từ miêu tả bạn rõ nhất? Đâu là điểm bạn thấy tự hào nhất hoặc thấy ít tự hào nhất? Lúc nào bạn thể hiện rõ những đặc điểm này nhất? – Ba tính từ mà bạn thân của bạn/bố mẹ bạn chọn để miêu tả bạn? Có những điểm nào khác với những điểm bạn nghĩ về mình? Thời điểm/trong hoàn cảnh nào bạn bộc lộ rõ nhất những đặc điểm này? Bạn cũng có thể nhờ trợ giúp của người thân, bạn bè và thầy cô là những người thực sự hiểu rõ bạn đưa ra một số tính từ mô tả con người bạn và với mỗi tính từ, bạn hãy nhờ họ đưa ra dẫn chứng hoặc một ví dụ cụ thể. Bạn cũng có thể làm quiz trắc nghiệm tính cách (vd: https://www.16personalities.com) và so sánh với những phản hồi của mọi người về bạn để lựa chọn ra những nhóm tính cách đặc trưng nhất, giúp phản ánh rõ con người bạn nhất.
 
II) Lập dàn ý
Không bao giờ có một dàn ý chung cho mọi bài luận. Nhưng ít nhất, nếu nắm được bố cục một bài luận sẽ giúp bạn sắp xếp các ý hiệu quả hơn. 
 
– Bước 1: Chọn ra một vấn đề giúp phản ánh con người bạn chân thực nhất  Bạn nên kể một câu chuyện xoay quanh một vấn đề (ai/cái gì/ở đâu/khi nào) mà bạn đã trải qua trong quá khứ mà qua đó, phản ánh những phẩm chất và những giá trị cốt lõi mà người đọc nên biết về bạn.
Một trong những phẩm chất mà Hội đồng tuyển sinh đánh giá cao và nên có trong bài luận của bạn có lẽ là sự bền bỉ (grit). Ví dụ như bạn định chọn việc tập xe đạp để làm nổi bật một vài phẩm chất của mình. Bạn có thể tập trung khai thác những khó khăn bạn gặp phải như bị ngã, bị thương trong quá trình tập xe nhưng rồi, bạn vẫn đứng lên và học được cách giữ thăng bằng, làm chủ cảm xúc và điều khiển được chiếc xe của mình. 
Điều bạn cần tránh nhất trong cách viết của mình đó là cố biến bài luận thành một nơi trưng bày những thành tích dày đặc hoặc viết những điều quá chung chung, to tát nhưng xa dời thực tế hay chẳng liên quan tẹo nào đến những gì bạn thật sự trải qua. Chẳng hạn như, bạn viết về những điều vĩ mô vượt ra ngoài phạm vi kiến thức và trải nghiệm của bạn như khai thác tính đúng đắn của hôn nhân đồng tính, sự cần thiết của vũ khí hạt nhân hoặc chiêm nghiệm như một nhà hiền triết về những vấn đề trừu tượng (nguồn gốc của con người, cuộc sống sau cái chết). Vậy nên, trừ khi những chủ đề này có liên quan trực tiếp đến kinh nghiệm của bạn, còn không đừng bao giờ viết liều. 
 
– Bước 2: Chỉ ra cách bạn giải quyết vấn đề  Sau khi dẫn dắt người đọc đến với một vấn đề cụ thể, nửa già còn lại của bài luận nên tập trung khai thác xem: Bạn cảm thấy thế nào (buồn/vui/bất lực/giận dữ,…) khi phải đối mặt với vấn đề này? Bạn nhận ra được điều gì từ bản thân mình khi rơi vào trạng thái đó? Điều gì đã giúp bạn nhận ra và giải quyết được tình huống đang gặp phải? Chẳng hạn như trong ví dụ tập xe đạp, bạn đề cập đến những giải pháp giúp mình vượt qua nỗi ám ảnh bị ngã, rồi từ đó khiến bạn vượt qua những nỗi sợ lớn hơn để đạt những mục tiêu đề ra sẽ làm nổi bật ở bạn sự bền chí, dám đương đầu và vượt qua những giới hạn của bản thân. 
 
– Bước 3: Rút ra bài học và kết nối điều đó với kế hoạch tương lai của bạn  Bài luận của bạn sẽ thiếu đầy đủ nếu không cập đến những bài học bạn rút ra từ những vấn đề đã gặp phải. Những vấn đề này ảnh hưởng thế nào đến tư duy, nhận thức, cảm xúc của bạn? Nó đã làm thay đổi điều gì ở “bạn trong quá khứ” và dẫn đến “bạn của ngày hôm nay” và tạo nên “bạn của ngày mai”? Việc giải đáp những câu hỏi là cách hiệu quả nhất để bạn chứng minh với trường bạn là người có tinh thần cầu tiến, có tiềm năng để đạt được những thành tựu tốt hơn trong tương lai nếu trường nhận bạn. 
 
III) Bắt đầu viết 
Theo thống kê, một người cần ít nhất 12 tiếng để có thể lên ý tưởng và hoàn thiện 01 bài luận. Hãy viết càng sớm càng tốt cho đến khi bạn có một bài luận chỉn chu. 
 
Hãy biến bài luận như một thước phim ngắn kể về bạn. 
 
Khi chọn được chủ đề và bắt tay xây dựng kịch bản “phim”, bạn cần tìm hiểu kĩ đối tượng khán giả của mình và thông điệp mình muốn gửi gắm đến họ. Từ đó, bạn có thể định hình thể loại phim theo hướng hài hước/tâm lý/hành động…?!; Chọn giọng kể (tone) theo hướng hóm hỉnh/ướt át/mạnh mẽ/giận dữ….?!; Xác định ngôn ngữ (diction) theo hướng đơn giản/trong sáng/phức tạp/đời thường/học thuật…?!. Đặc biệt, để giúp bộ phim mang đậm dấu ấn cá nhân của bạn, bạn nên định hình cho mình phong cách (style/voice) gắn liền với tính cách ngoài đời thực của bạn, chẳng hạn như thân mật/suồng sã/trịnh trọng/phá cách/nguyên tắc/hài hước/nghiêm túc/…. để hễ ai đọc bài viết cũng có thể phần nào đoán ra người viết chính là bạn. 
 
Một kịch bản hay thường kể về một nhân vật thú vị nào đấy, mong muốn một điều gì đó, và người đó phải vất vả vượt qua thử thách để đạt được điều ấy. Công thức như sau: (Nhân vật + Ước vọng) x Thử thách = Câu chuyện. Nhưng câu chuyện của bạn không chỉ dừng lại ở việc bám sát công thức trên. Bạn nên lập ra sơ đồ mindmap giúp kết nối các sự việc/nhân vật trong câu truyện của bạn một cách logic như Việc gì diễn ra Ở đâu, các tuyến Nhân vật (nhân vật chính và phụ, những xung đột, sự thay đổi, trưởng thành của nhân vật) và Tình huống (Tính hợp lý của hoàn cảnh, hành động của nhân vật, chướng ngại, thử thách).
Và tất nhiên, một bộ phim hay không thể thiếu đi mở đầu ngoạn mục để lôi kéo khán giả đến những điều tuyệt vời phía sau. Bạn có thể áp dụng 1 trong năm cách mở bài sau:
Hãy lôi kéo sự chú ý của độc giả ngay từ dòng đầu tiên!
 
IV) Proofreading- Góp ý và chỉnh sửa lần 1, lần 2 
Việc nhận được đánh giá đa chiều tối thiểu từ 02 người sẽ giúp bạn hoàn thiện bài luận tốt hơn. Bạn có thể nhờ bạn bè, người thân hay giáo viên ở nhiều nhóm tuổi khác nhau đọc và góp ý cho mình để hoàn thiện bài luận.
Bạn có thể hỏi họ những câu hỏi như: Thông điệp nào rút ra từ bài viết của bạn? Có giống những thông điệp bạn định gửi gắm? Đã trả lời được những câu hỏi mà đề bài đặt ra? Người đọc cảm thấy buồn cười/xúc động/căm phẫn/đồng cảm qua giọng văn của bạn? Phong cách bài viết có gợi cho người đọc nghĩ ngay đó là bạn không? Các ý diễn đạt trong bài có dễ hiểu? Nên bỏ đi hay làm ngắn lại hay cần diễn giải ý nào đó cho rõ hơn? Có bất cứ lỗi chính tả hay ngữ pháp nào trong bài viết? Những gợi ý nào giúp cải thiện bài viết của bạn? 
 
V) Hoàn tất bài luận- Final version 
Sau bốn bước trên, bạn hãy tạm gác lại mọi chuyện liên quan đến bài luận trong trong 3-7 ngày rồi sau đó bắt đầu đọc lại bài viết trong tâm thế của một độc giả/nhà phê bình. Bạn có thể đặt cho mình các câu hỏi tương tự như hỏi mọi người và đánh dấu lại những phần chưa đủ thuyết phục bạn và điều chỉnh lại lần cuối.
Chừng nào bạn cảm thấy đây chính là bài viết chân thực, phản ánh đúng và trọn vẹn nhất về con người bạn và cũng đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đề bài, XIN CHÚC MỪNG BẠN, bạn đã về đích. Hãy nhấn nút submit để gửi hồ sơ đến các trường.
 
Đây mới là bước cuối: Đừng quên tự thưởng cho mình một món quà xứng đáng trước khi chuyển qua hoàn tất các thủ tục khác trong quá trình apply. Bạn đã làm hết sức mình và những điều xứng đáng sẽ đến với bạn.