Bí quyết xây dựng một bộ hồ sơ “bất bại” vào Đại học Mỹ

Hiện nay, việc du học Mỹ không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, để nhận được lá thư mời nhập học của những trường đại học hàng đầu nước này, việc xây dựng bộ hồ sơ thuyết phục là một trong những yếu tố quan trọng.

Tọa đàm “Bí quyết xây dựng một bộ hồ sơ “bất bại” vào Đại học Mỹ” do APUS tổ chức diễn ra vừa qua tại Hà Nội thu hút sự tham dự của đông đảo phụ huynh và học sinh

“Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”

Trước tiên, hiểu rõ về bản thân là yếu tố tiên quyết và cần có trong quá trình đầy cam go này. Diễn giả của tọa đàm là các học sinh và phụ huynh có con vừa “vượt vũ môn” vào các trường Đại học hàng đầu Mỹ trong đợt tuyển sinh mới đây.

Bí quyết xây dựng một bộ hồ sơ “bất bại” vào Đại học Mỹ - 1
Các diễn giả của buổi tọa đàm

Có thể thấy rằng, hồ sơ du học Mỹ không thể thiếu bài luận cá nhân. Nhà trường đòi hỏi vậy vì họ muốn thí sinh nhìn lại chính mình trước khi bước vào một thử thách mới. Hơn nữa, thí sinh ứng tuyển là người hiểu rõ bản thân mình nhất nên bài luận cá nhân là viết về chính bản thân mình.

Chỉ có bản thân mình mới giải đáp rõ ràng được tại sao mình yêu thích ngành học đó và mình nghĩ nó thích hợp với bạn như thế nào.

Những người xét duyệt hồ sơ hoàn toàn có thể nhìn ra rất rõ tâm huyết và quyết tâm của thí sinh đó đối với quyết định du học của mình qua những gì học sinh đó thành thực chia sẻ.

“Trong quá trình nộp hồ sơ vừa rồi cũng khá gian nan nhưng điều em học được nổi bật nhất là mình muốn thứ gì, mình muốn được hưởng một nền giáo dục như thế nào và mình là ai?

Để trả lời câu hỏi mình là ai thì các bạn có thể làm những bài đánh giá bản thân của một số trang web và ứng dụng. Nó sẽ là gợi ý để bạn tìm hiểu về mình”, em Trần Văn Hào (tân sinh viên Đại học Villanova, Mỹ) chia sẻ.

Bí quyết xây dựng một bộ hồ sơ “bất bại” vào Đại học Mỹ - 2
Trần Văn Hào, tân sinh viên Đại học Villanova (bên trái) trong buổi tọa đàm

Còn “cô gái vàng sinh học Việt Nam” Nguyễn Phương Thảo – người vừa đỗ vào Viện công nghệ số 1 thế giới (MIT) cho rằng: “Qua quá trình nộp hồ sơ, em trưởng thành hơn rất nhiều và em nghĩ rằng các bạn trong thời gian chuẩn bị hồ sơ du học thực sự cũng sẽ có những cảm nhận như mình.

Em rất thích Sinh học và em muốn sau này khi học đại học xong sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu đó trong tương lai. Hiểu về bản thân giúp xác định được các quyết định rõ ràng hơn”.

Bí quyết xây dựng một bộ hồ sơ “bất bại” vào Đại học Mỹ - 3
Nguyễn Phương Thảo (tân sinh viên của Viện công nghệ số 1 thế giới – Massachusetts Institute of Technology) nói về lí do em yêu thích Sinh học.

Tìm hiểu từ những nguồn tin cậy

Khi tìm hiểu về trường đại học định nộp hồ sơ hay khối ngành sẽ theo học thì mỗi người luôn phải đối mặt với những luồng thông tin thật giả lẫn lộn, khó phân biệt. Các diễn giả đã chỉ ra những nguồn tin cậy có thể theo dõi được như trang web nhà trường, hội đồng tuyển sinh của trường, bạn bè,…

Phương Thảo cho biết: “Em nộp 10 trường và trong đó có chia ra theo các nhóm, xếp hạng khác nhau như các trường an toàn, các trường mạo hiểm.

Lúc tìm hiểu về trường thì em cũng không quen quá nhiều các anh chị ở 10 trường đó nên nếu biết và quen các anh chị về kinh nghiệm thực tế thì sẽ tốt hơn. Nhưng nếu không quen, em sẽ lên trang web của trường, các diễn đàn của trường…”

Trần Văn Hào theo chiến lược nộp hồ sơ sớm (Early Decision), vì thế quá trình tìm hiểu cũng có điều khác biệt. Theo nam sinh này, lúc chuẩn bị hồ sơ em dựng một danh sách 12 trường nhưng vì chọn nộp hồ sơ sớm nên em chỉ nộp vào 3 trường. 3 trường ấy cũng được phân loại là trường thấp, trường vừa tầm và trường cao.

Theo chàng trai này, xếp hạng của các trường cũng quan trọng nhưng điều đó không quá quan trọng ảnh hưởng đến quyết định chọn trường của bản thân. Cái cần quan tâm là thứ hạng về đào tạo học tập của trường là bao nhiêu.

Còn Nam Hiếu (tân sinh viên của Đại học Colgate, Mỹ) chia sẻ rằng, nếu không thể tìm thấy phương tiện nào uy tín, tin cậy để tìm hiểu thì tốt nhất nên liên hệ trực tiếp với trường.

“Em có một danh sách 15 trường để nghiên cứu. Trong quá trình tìm hiểu trường nào là trường phù hợp với mình thì trước tiên, em hỏi qua kênh bạn bè. Một số bạn bè của em đã sang Mỹ học và em đã có nhiều thông tin từ ấy. Ngoài ra, em có vào xem trang web của trường.

Thay vì xem những đánh giá 5 sao thì em chọn đọc đánh giá 1 sao để cảm nhận mình có thực sự chịu được những điểm xấu, khó chịu ấy của trường không nếu theo học. Hoặc email thẳng cho bộ phận tuyển sinh quốc tế của trường để hỏi”, Hiếu chia sẻ.

Bí quyết xây dựng một bộ hồ sơ “bất bại” vào Đại học Mỹ - 4
Đỗ Hoàng Nam Hiếu (tân sinh viên của Đại học Colgate) ngồi ngoài cùng bên trái.

Đa số lúc đầu sẽ có rất nhiều trường thuộc diện để chúng ta khảo sát, dần dần giới hạn số trường mà chúng ta lựa chọn. Ban đầu là 30 trường rồi xuống 15 trường, 10 trường, 5 trường và 3 trường sẽ tìm hiểu.

Để giới hạn được số trường đại học phù hợp với sự lựa chọn của mỗi người thì các em cần có những tiêu chí. Càng tìm hiểu nhiều thì càng xác định rõ các tiêu chí mà bản thân muốn là gì.

Có một lộ trình chiến lược tốt

Ngoài điểm số, thành tích học tập thì hoạt động ngoại khóa cũng là một thứ cần có lộ trình chiến lược bài bản. Phương Thảo là thí sinh Việt Nam đầu tiên phá kỷ lục giành Huy chương Vàng và người có điểm thi cao nhất thế giới tại Olympic Sinh học Quốc tế 2018, Phương Thảo đã dựa vào niềm đam mê với y sinh để xây dựng các hoạt động ngoại khóa.

Trong bộ hồ sơ của Thảo, thay vì tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa, em chú trọng vào chất lượng của từng hoạt động. Để đảm bảo những hoạt động ngoại khóa của mình có liên quan đến nền tảng của bản thân và thể hiện một phần con người mình nên em đã chọn tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học. Em nghĩ rằng, như vậy nó sẽ tạo nên sự thống nhất cho bộ hồ sơ. Qua đó, trường cũng nhìn mình là một con người hoàn chỉnh.

Văn Hào nói thêm: “Lúc chuẩn bị hồ sơ, em cũng băn khoăn về hoạt động ngoái khóa. Em thích Kinh doanh và những hoạt động ngoại khóa liên quan đến kinh doanh có rất nhiều nhưng chọn cái nào là đúng nhất cho mình. Có bạn chọn ngoại khóa truyền thông, có bạn chọn đi thi các giải quốc gia quốc tế,…

Em cũng nghĩ là liệu tham gia như vậy nó có giúp ích gì cho bộ hồ sơ. Thực chất nó lại quay lại câu hỏi mình là ai. Sau khi hiểu mình, em nhận ra hoạt động ngoại khóa phù hợp nhất là chơi thể thao và các hoạt động cộng đồng”.

Còn với Nam Hiếu, em cho rằng, hoạt động ngoại khóa với em luôn phải đa dạng.

“Em học cấp ba tại Singapore, trước thì em học Toán rất nhiều và cũng có niềm yêu thích với nó. Tuy nhiên, sau đó, em nhận ra em cũng không hoàn toàn muốn dành toàn bộ thời gian ở phòng nghiên cứu Toán. Thế nên em đã tìm hiểu về Kinh tế.

Nhưng em cũng thấy có rất nhiều ứng dụng từ Toán vào Kinh tế và các vấn đề khác của đời sống. Với các hoạt động ngoại khóa em tham gia đa dạng để hiểu hơn về bản thân và thử thách bản thân”, Hiếu nói.

Bí quyết xây dựng một bộ hồ sơ “bất bại” vào Đại học Mỹ - 5
Chị Nguyễn Hồng Dinh (phụ huynh em Trần Văn Hào) chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ du học với con.

Trên cương vị là một người mẹ đồng hành với con trên suốt chặng đường xây dựng hồ sơ du học, chị Nguyễn Hồng Dinh (phụ huynh em Trần Văn Hào) chia sẻ: “Có rất nhiều phụ huynh hiện nay cũng như tôi 3-4 năm về trước, mày mò tìm hiểu đủ thứ, mọi nơi để chuẩn bị cho con du học.

Theo đánh giá khách quan của cá nhân tôi, Hào không hẳn quá xuất sắc, không có nhiều giải thưởng cao, việc con trúng tuyển vào trường Đại học Villanova (Mỹ) là một kỳ tích và sự nỗ lực, bền bỉ không ngừng.

Biến giấc mơ ấy trở thành hiện thực là cả một quá trình vất vả. Bố mẹ là những người trực tiếp đồng hành với con trên đoạn đường đó. Tôi không giúp đỡ được con nhiều về vấn đề học thuật nhưng tôi luôn rèn cho con tính kỷ luật chặt chẽ để con tự thực hiện các mục tiêu”.

Theo Dân Trí