Một phụ huynh ở Hà Nội cho rằng “tuỳ vào quỹ thời gian, năng lực dạy con và chiến thuật chọn trường ĐH của con (và bố mẹ). Nếu bạn quá bận và thật sự không có thời gian hay tự cảm thấy không có gì để dạy con, trong khi lại có nhiều tiền hay có thể lo được thì nên cho con đi du học sớm. Tôi đã gặp biết bao nhiêu đại gia giàu nhanh nên chuyện tiền với họ quá đơn giản. Họ mải mê kiếm tiền và quên hẳn con mình, gần như không còn thời gian cho con. Với những người như vậy, tôi chân thành khuyên họ nên cho con đi sớm. Ở lại đây chưa chắc con đã học được những cái hay mà lại đầy cái dở. Có khi con lại còn hư đi vì chả có ai quản, hoặc tệ hơn là ngấm luôn kiểu trưởng giả/trọc phú của chính chúng ta (và làm hỏng luôn con). Cái chúng ta phải đánh đổi chắc chắn sẽ là quan điểm sống và hệ giá trị. Chắc chắn con sẽ có hệ giá trị và cách sống khác với bố mẹ ở nhà. Nhiều người bảo: “Đi sớm thế thì mất con!” Tôi chả bao giờ nghĩ thế. Con nó nghĩ và hành động khác mình không có nghĩa là mình mất nó. Không ai nên áp đặt quan điểm và hệ giá trị của mình cho người khác, kể cả bố mẹ. Đồng thời, trong cái thời nhiễu nhương ở Việt Nam như thế này, tôi lại tin rằng những hệ giá trị của phương Tây có khi còn ưu việt hơn những gì mà con chúng ta đang nhận được tại môi trường Việt Nam. Trường phổ thông ở các nước như Anh, Úc, Canada, Mỹ, đặc biệt là trường nội trú, khá tốt. Chất lượng giáo dục chắc chắn tốt hơn (phần lớn) các trường (làng nhàng) ở Việt Nam, thậm chí cả trường quốc tế. Đặc biệt với trường nội trú thì chất lượng không chê vào đâu được. Họ rèn như nhà binh. Không có đoạn lằng nhằng, quậy phá. Tối 9h tắt đèn đi ngủ. Không có chuyện lạm dụng Internet hay điện thoại. Ăn ngủ điều độ, đâu ra đấy. Chương trình học khá tốt. Dễ hơn học ở Việt Nam nhưng phương pháp và cách tiếp cận vấn đề thì hơn hẳn. Đồng thời các bạn có nhiều thời gian chơi thể thao hơn so với ở nhà. Do vậy, du học (trường nội trú) sớm cũng không tệ tí nào cả.”
Chia sẻ với những quan điểm của vị phụ huynh trên, chị Minh Trang, từng du học Mỹ từ bậc Trung học và hiện đang làm việc cho một tổ chức giáo dục lớn ở Mỹ, cho rằng đi du học bậc phổ thông là bước đệm quan trọng giúp chị tiếp cận với những phương pháp học tập, lối tư duy, cách thức tiếp cận và giải quyết vấn đề theo kiểu phương Tây và nhận sự trợ giúp tuyệt đối từ trường cho việc nộp hồ sơ vào Đại học Mỹ. Điều này phần nào làm tăng cơ hội của chị khi nộp vào những trường Đại học hàng đầu của Mỹ, từ đó tạo bệ phóng giúp chị tìm được công việc ưng ý như hiện nay. Tuy nhiên, để có thể thích nghi và tận dụng tối đa lợi thế du học sớm, theo chị, các bạn học sinh nên chuẩn bị cho mình kiến thức và kĩ năng cần thiết. Từ kinh nghiệm của bản thân, chị Trang cho rằng các bạn sắp đi du học cần ít nhất một năm chuẩn bị về ngôn ngữ, tìm hiểu trước những môn học sẽ được dạy ở nước ngoài và tạo cơ hội cho bản thân được tiếp xúc những hoạt động cộng đồng từ sớm, đồng thời trang bị cho mình những kĩ năng đơn giản như biết cách giữ gìn căn phòng của mình ngăn nắp gọn gàng đến việc tự lên kế hoạch học tập và ngoại khoá cho cả một tuần. Việc hình thành những thói quen như vậy giúp bạn dễ dàng hơn khi tiếp cận với môi trường học tập ở nước ngoài, đặc biệt ở những quốc gia như Mỹ luôn yêu cầu học sinh phải cân bằng việc học với các hoạt động ngoại khoá/cộng đồng và cuộc sống cá nhân. Điều này không chỉ giúp học sinh phát triển bản thân tốt hơn mà còn bổ trợ rất nhiều trong quá trình xây dựng một hồ sơ cá nhân ấn tượng với bộ phận tuyển sinh Đại học và phục vụ cho hành trang vào đời sau này. Mặc dù biết rằng du học sớm từ bậc phổ thông là một lựa chọn không tồi, đặc biệt nếu phụ huynh muốn con sớm tiếp cận với một môi trường giáo dục toàn cầu, có điều kiện phát triển bản thân toàn diện hơn nhưng để có quyết định phù hợp còn phụ thuộc vào sự sẵn sàng của đứa trẻ, mục tiêu tương lai, điều kiện kinh tế và việc liên tục theo sát, đồng hành cùng con trong quá trình du học.
Vị Phụ huynh này giải thích :”Thứ nhất, nếu bạn có nhiều thứ để chia sẻ, dạy con, coi đó là việc quan trọng, và có thời gian làm việc ấy thì bạn nên giữ con lại. Không có người thầy nào hiệu quả và tốt hơn chính bố mẹ. Con bạn có thể học từ bạn rất nhiều mà không trường lớp nào dạy được. Bạn có thể đưa con tham gia các cuộc tiếp khách, nói chuyện, tiếp xúc với những tầng lớp xã hội mà bạn giao lưu. Bạn có thể chia sẻ với con và cho con trải nghiệm kinh nghiệm thương trường, chính trường, xã hội. Con còn học rất nhiều thông qua quan sát hành động và cách sống của cha mẹ. Không trường nội trú nào trên thế giới có thể cho con những trải nghiệm đó. Thứ hai, nếu bạn muốn đầu tư cho con học ngoại khoá, thể thao một cách bài bản thì ở Việt Nam có lợi hơn nhiều. Chi phí tham gia học thể thao, ngoại khoá ở nước ngoài, nhất là là ở Mỹ, Australia, Canada vô cùng đắt đỏ; việc học thêm này cũng vô cùng bất tiện về mặt logistic/sắp xếp thời gian, đặc biệt là với học sinh nội trú. Trường nội trú dù có đắt đến mấy cũng không thể dạy con bạn chuyên sâu một môn thể thao cho giỏi hoặc tham gia ngoại khoá một cách sâu sắc (trừ khi bạn gửi con vào trường nội trú chuyên ngành). Nếu muốn con học nhạc, học võ, chơi thể thao, mà bạn lại có điều kiện tài chính và kiếm được thầy giỏi thì chẳng gì bằng đầu tư cho con ở Việt Nam trong thời gian đầu…
Theo quan sát của chị Trang, những bạn chưa chuẩn bị đầy đủ trước khi đi du học bậc phổ thông sẽ mất nhiều thời gian hơn để làm quen, thích nghi với môi trường mới. Một số bạn bè của chị khi qua Mỹ học chưa chuẩn bị tốt về ngôn ngữ nên thường gặp khó khăn khi theo học những môn như văn học, lịch sử, … theo đó, kết quả những môn học này thường không cao. Nếu bạn nào bản lĩnh sẽ tìm cách vượt qua được rào cản này sẽ dễ dàng bứt phá và đạt được những thành tích đáng nể còn không sẽ chán nản và tự ti và học đuối dần. Một số khác thiếu hụt khá nhiều kĩ năng mềm nên hay ngại kết bạn, giao lưu hay làm việc nhóm với các bạn học sinh Mỹ và dần dà rơi vào trạng thái trầm cảm nhất thời, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập. Chưa kể, tại Mỹ, hầu hết học sinh đều phải tham gia số giờ hoạt động cộng đồng bắt buộc nên bạn nào không biết cách phân bổ thời gian hợp lý cho từng hoạt động thường hay bị căng thẳng, kiệt sức. Những bạn như vậy sẽ hợp với việc học ở Việt Nam vì thông thường những năm lớp 10-12 là những năm học sinh sẽ vô cùng bận rộn: vừa phải học khá, giỏi văn hoá, vừa phải rèn luyện thể thao, vừa phải tham gia ngoại khoá, vừa phải học các kỳ thi chuẩn hoá như SAT, TOEFL/IELTS, vừa phải chuẩn bị bài luận, hồ sơ xin học. Nếu có bố mẹ ở bên cạnh hỗ trợ, giám sát ắt hẳn các bạn (nhóm này) sẽ thu được kết quả học tập tốt hơn so với học ở Mỹ. Vậy nên, môi trường du học nói chung có thể phù hợp với bạn này nhưng chưa chắc đã phù hợp với bạn khác. Một khi quyết tâm đi du học, bạn càng phải có ý thức tự rèn luyện và thử thách bản thân mình nhiều hơn và từ sớm.
Liên hệ
Tầng 16, Tòa nhà 54A Nguyễn Chí Thanh, Quận Đống Đa, Hà Nội
(+84) 98 202 8888
info@apusvietnam.com
© 2015 APUS Vietnam. All right reserved