Tháng 7 này, người lữ hành là tôi sẽ khăn gói quả mướp đến xứ sở của những cây xương rồng cao hơn đầu người, xứ sở của giống mèo Bob cat hoang dại có năng lực siêu nhiên trèo được lên ngọn cây xương rồng đầy gai để tránh kẻ thù, xứ sở của sa mạc, của cát, của Grand Canyon. Tôi sẽ đến Arizona làm nghiên cứu sinh ngành Government and Public Policy, tại trường University of Arizona. Vì gần đây có nhiều bạn hỏi tôi về cách thức xin học bổng tiến sỹ, tôi mạo muội viết bài này để kể về quá trình gian nan của mình. Tôi hi vọng sẽ phần nào giúp ích được cho những bạn đang khao khát nuôi giấc mơ Mỹ 🙂
Để xin được một suất học bổng tiến sỹ ở Mỹ, đặc biệt là các ngành xã hội, bạn phải chiến đấu với nhiều ứng viên nặng ký ở khắp nơi trên thế giới. Đây thực sự là một quá trình rất cạnh tranh. Theo như tôi tìm hiểu, thường 1 trường không bao giờ nhận quá 10% số ứng viên nộp hồ sơ. Đối với 1 số ngành như kinh tế, sự cạnh tranh còn cao hơn nữa. Nhiều bạn hỏi mình có bí kíp thần kỳ nào để vượt qua được bao nhiêu hồ sơ như vậy. Bí quyết của tôi là SỰ CHÂN THÀNH + SỰ QUYẾT TÂM + MỘT KẾ HOẠCH CỤ THỂ. Tôi xin chia sẻ kế hoạch và từng bước apply. Lưu ý bài viết này phù hợp nhất cho những bạn đang nung nấu ý định xin tiến sỹ ngành xã hội mà đặc biệt là political science hoặc/và public policy. Tôi không rõ về quy trình apply ngành kỹ thuật nên tôi không chắc bài viết có thể phù hợp.
Thời gian chuẩn bị: 8– 12 tháng. Deadline các trường thường là tháng 12- tháng 1. Mình bắt đầu rục rịch chuẩn bị từ tháng 4, tháng 5.
Số trường cần nộp: Để chắc chắn bạn nên nộp khoảng 5-8 trường. Tôi nộp 7 trường và hiện đã được nhận 4 trường, còn 1 trường chưa có kết quả.
Tài chính: 1500-2000 USD. Mỗi tháng tôi trích 1 ít tiền lương để vào 1 tài khoản riêng để khi nộp đơn khỏi sốt ruột hehe. Chi phí bao gồm lệ phí của các trường, thi các thể loại GRE, Tiếng Anh, nộp bảng điểm, nộp điểm GRE, điểm tiếng Anh.
Hồ sơ tiến sỹ gồm những gì và chuẩn bị ra sao:
Các thể loại statements (bài luận):
Đây có thể được coi là phần quan trọng nhất trong hồ sơ của bạn. Đây là cơ hội duy nhất dể bạn thể hiện bản thân bạn trước hội đồng tuyển sinh. Tuỳ từng trường, bạn có thể sẽ phải viết academic statement of purpose, personal statement và diversity statement. Nếu trường nào yêu cầu bạn chỉ viết một bài luận là personal statement, thì mặc định đó là statement of purpose. Vậy sự khác nhau giữa các bài viết này là gì?
Statement of purpose: Đây là nơi bạn phải trả lời được cách câu hỏi sau: Lĩnh vực nghiên cứu bạn quan tâm là gì (Viết phần này có lẽ là khó nhất vì bạn phải thể hiện là mình có một kiến thức nhất định về lĩnh vực mình muốn theo đuổi, làm sao viết một cách cụ thể, nhưng không cụ thể đến mức khiến người ta nghĩ bạn không cởi mở cho những ý tưởng mới). Định hướng nghề nghiệp trong tương lai của bạn là gì? Vì sao việc học tiến sỹ lại giúp bạn đi theo con đường này? Bạn đã chuẩn bị cho con đường này như thế nào (các nghiên cứu bạn đã từng tham gia trước đây, bài viết đc đăng, vì sao bạn phải chọn trường này mà không phải trường khác, etc?). Khác với statement of purpose khi bạn nộp hồ sơ học master, đây gần như là letter bạn viết để apply cho 1 vị trí nghiên cứu chuyên nghiệp.
Personal statement/diversity statement: Đây là cơ hội để bạn chia sẻ những kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân, background ( văn hoá, gia đình, giáo dục, etc.) đã hình thành nên con người bạn hiện nay như thế nào? Con người bạn sẽ đóng góp thế nào vào sự đa dạng của trường? Những trải nghiệm trong cuộc sống của bạn (học thuật, hoặc không liên quan đến học thuật) ảnh hưởng thế nào đến quyết định bạn đi học tiến sỹ.
Độ dài tuỳ của mỗi bài luận tuỳ thuộc từng trường nhưng giao động khoáng 2-5 trang.
Khi tôi bắt tay vào viết các bài luận này, tôi đã lên mạng tìm nhiều các bài mẫu để tham khảo. Tôi đã đọc rất nhiều profile đẹp, tôi còn nghĩ ” trời, profile họ đẹp thế này, làm sao để mình cạnh tranh được đây”. Tôi hoang mang lắm khi nghĩ đến tỷ lệ nhận của trường thấp và đọc các bài viết hay. Đọc hết forum này đến forum khác, đọc tips này đến tips khác, đầu óc tôi trở nên mụ mị và mất tự tin. Nhưng rồi đến một ngày, tôi tĩnh tâm lại và nhớ tới lời động viên của thầy supervisor ở Anh, thầy đã nói với tôi “Thầy tin em có khả năng, và em sẽ đỗ những trường em muốn”, thầy còn nói “write something that makes you unique”. Nhớ đến lời thầy, tôi không đọc nữa. Và tôi đã tìm thấy một thứ gia vị cho bài viết của mình, đó là SỰ CHÂN THÀNH. Một người chị mà tôi vô cùng ngưỡng mộ cũng thường hay bảo tôi rằng không có gì đáng giá hơn sự chân thành. Và thế là câu chữ cứ tuôn ra. Trong bài personal statement, tôi viết về passion của mình đối với việc làm research, việc được đi, quan sát và viết. Tôi kể về những cảm xúc của mình khi lần đầu được tiếp xúc với những thông tin khác với những gì tôi được biết, được dạy. Tôi đã rất buồn, mất niềm tin, thậm chí đã khóc, nhưng nỗi buồn dần bị thay thế bởi sự phấn khởi được học cái mới, được nhìn thế giới bằng một góc khác đi- sinh động hơn, đa chiều hơn và khách quan hơn. Tôi tâm sự trong bài rằng những trải nghiệm ấy khiến tôi không còn là một con người bướng bỉnh chỉ tin rằng trắng-đen, tốt-xấu là rõ ràng. Nó cũng khiến tôi bớt phán xét hơn, và bao dung hơn với mọi người. Cuốn tiểu thuyết 1984 của George Orwen có tác động rất mạnh đến suy nghĩ của tôi, và tôi đã chia sẻ điều ấy trong bài. George Orwen viết một câu thực sự rất ám ảnh, đó là “Who controls the past, controls the future. Who controls the present controls the past”. Tôi chia sẻ rằng “I feel this sentence whenever I think about….”. Một bạn đã khuyên tôi nên dùng động từ khác vì “feel” nghe mạnh quá, nhưng tôi vẫn quyết định giữ vì tôi biết đó mới thật sự là tôi. Tôi viết về niềm vui, cảm xúc khi được đến thăm The Little Sai Gon và quan sát cuộc sống của người Việt Nam ở đó.
Nhiều bạn đang muốn apply đi học hỏi tôi nên viết statments thế nào, tôi chỉ có một lời khuyên như thầy tôi đã khuyên tôi: Viết về những gì khiến bạn là bạn của ngày hôm nay với tất cả sự chân thành. Có bạn bảo tôi nhưng bạn không có câu chuyện gì đặc biệt cả. Tôi không tin! Đằng sau mỗi con người là một câu chuyện, một trải nghiệm không ai giống ai, hãy KỂ CÂU CHUYỆN CỦA BẠN.
Letter of recommendation (thư giới thiệu): Thư giới thiệu là một phần CỰC KỲ quan trọng của hồ sơ. Thông thường, các trường yêu cầu 3 thư giới thiệu đối với hồ sơ tiến sỹ. Hãy chọn 3 người hiểu bạn, đánh giá cao bạn và nhờ họ viết thư. Khoảng 3 tháng trước deadline, tôi viết email cho những người tôi muốn nhờ họ viết thư, tôi hỏi họ nếu họ có thể viết cho tôi một STRONG recommendation letter. Tôi không muốn một lá thư bình thường, tôi muốn một lá thư có sức nặng. Bạn đừng ngại khi phải hỏi như thế, nếu họ không thể viết strong cho bạn, họ sẽ nói rõ ràng như vậy. Khoảng 1,5 tháng trước khi deadline, tôi gửi cho họ statements của mình, CV, và một số ý tôi muốn có trong thư. Đừng ngại khi phải gửi cho họ một số ý, các giáo sư rất bận nên sẽ đánh giá cao điều này. Dựa vào những ý đấy họ sẽ viết dựa trên trải nghiệm làm việc với bạn hoặc dạy bạn. Dù bạn trúng tuyển hay không, cũng nên viết một note cảm ơn (mình khuyến khích là viết tay) để thể hiện sự biết ơn vì họ đã bỏ thời gian, công sức viết cho bạn :).
Writing sample (bài viết mẫu): Đây cũng là một phần CỰC KỲ quan trọng vì ban tuyển sinh muốn đánh giá khả năng viết của bạn- một kỹ năng không thể thiếu nếu muốn học PHD. Khi tôi hỏi một thầy về vai trò của writing sample, thầy đã trả lời tôi thế này “We are primarily using the writing sample to judge the strength of your writing style. We will ask ourselves: How well prepared do we believe you are to be writing on the PhD program?”. Vậy chọn bài writing sample thế nào? Trước hết, bạn cần chú ý đến yêu cầu của từng trường: độ dài của bài là bao nhiêu (ngành của mình thường là 20-25 trang), có cần phải là original research hay không, có cần phải viết đúng chủ đề ngành học mà bạn đang apply hay không? Từ đó lựa chọn bài tốt nhất và phù hợp nhất. Tôi chọn một bài term paper được các thầy đánh giá cao, chỉnh sửa lại theo comments của thầy. Bài term paper đó của tôi chỉ có 10 trang nhưng yêu cầu của các trường là 20-25 trang vậy là tôi phải đọc thêm literature để viết thêm, tìm thêm các ý mới, vv. Nếu có thời gian hãy gửi bài cho một giáo sư hoặc một người nào đó trong lĩnh vực của bạn đọc lại.
GRE, TOEFL: Tôi sẽ chia sẻ về phần này trong một bài khác, hiện tôi đã buồn ngủ quá rồi 🙂
Có nên liên hệ với giáo sư trước khi apply: Học tiến sỹ ở Mỹ, bạn phải học coursework trước khi bạn được tự làm một nghiên cứu độc lập (hay còn gọi là luận văn tiến sỹ). Coursework sẽ chuẩn bị cho bạn kiến thức sâu về ngành mà bạn học và phương pháp nghiên cứu khoa học. Qua quá trình học coursework, ý tưởng nghiên cứu của bạn sẽ thay đổi ít nhiều. Như vậy trường thường không bắt buộc bạn phải liên hệ với các thầy trước khi apply. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, việc liên hệ trước với trường và các thầy có rất nhiều ưu điểm. Thứ nhất, các thầy sẽ cung cấp cho bạn những thông tin bạn không thể tìm thấy trên website, từ đó bạn sẽ phần nào biết được trường đó có phù hợp với bạn không. Thứ hai, bạn sẽ cho trường thấy bạn là một thí sinh nghiêm túc, có định hướng rõ ràng, và dám take initiative. Có bạn hỏi tôi làm thế nào để viết thư mà các thầy sẽ trả lời? Tôi viết cho nhiều thầy ở các trường khác nhau mà tôi apply, và gần như tôi nhận được tất cả hồi âm và cuối cùng đều có Skype với họ. Bí quyết của tôi không gì khác ngoài SỰ CHÂN THÀNH. Bạn rất khó nhận được hồi âm nếu các thầy cảm nhận được là bạn có một mẫu thư và gửi cho một loạt giáo sư khác nhau. Trước khi liên hệ với một giáo sư, tôi thường đọc một số bài báo mới nhất của thầy, note ý và viết ra một vài câu hỏi. Trong thư đầu tiên, tôi nói ngắn gọn về mình đặc biệt là research interest của mình, rồi nhắc đến một số bài báo của thầy, và thể hiện mong muốn được nói chuyện với thầy để xem chương trình học đó có phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của mình không. Khi nói chuyện, tôi cũng hỏi những câu hỏi liên quan đến những sinh viên thầy đang hướng dẫn, cách thầy làm việc với sinh viên (thầy hướng dẫn bao nhiêu người, tần suất thầy gặp sinh viên, thầy mong muốn gì ở sinh viên, etc). Những thông tin này ít nhiều giúp tôi hình dung phong cách thầy làm việc với sinh viên, và xem có phù hợp với phong cách và nguyện vọng của tôi không. Bạn có thể liên hệ với cả PHD director của chương trình. Thầy sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về quá trình tuyển sinh, học bổng, chương trình học, những tố chất mà chương trình cần có ở thí sinh, etc. Thầy cũng có thể recommend cho bạn giáo sư phù hợp để bạn liên hệ. Khi chuẩn bị nói chuyện với thầy ở Arizona nơi tôi sẽ học, tôi có đôi chút hồi hộp. Nhưng từ ngay giây phút đầu tiên khi thầy cất tiếng chào, tôi nhận ra thầy là một người Anh (vốn khá có cảm tình với người Anh, nên tôi tự nhiên thấy rất thoải mái). Câu chuyện cứ thế tuôn trào, tôi chia sẻ những mơ ước, nguyện vọng của mình. Thầy nói là “kế hoạch của em rất tốt và rõ ràng, thầy khuyên em nên apply, thầy đã nói chuyện với rất nhiều bạn nhưng có nhiều bạn thầy khuyên chưa nên apply hoặc không nên apply vì không phù hợp, thầy không muốn họ tốn 80 USD mà”. Tôi cũng nói chuyện với thầy PHD Director ở Colorado, thầy thì có phong cách Mỹ chính hiệu :)). Khi thầy chia sẻ là mỗi năm chỉ nhận 1-2 sinh viên quốc tế vì sinh viên quốc tế khá tốn kém haha. Lúc thầy nói vậy, tôi nghĩ làm sao đến lượt mình. Thật sự rất bất ngờ, trường lại nhận tôi. Lúc tôi nói rằng tôi sẽ không đến Colorado mà đến Arizona, thầy đã trả lời rằng Arizona cũng rất tốt, và rằng “tôi và em sẽ có lúc gặp nhau” :D. Tôi tin rằng những buổi Skype như thế này cũng giúp tôi khá nhiều trong quá trình apply.
Quá trình nộp hồ sơ thật sự dài và mệt mỏi. Nhiều lúc mệt mỏi, mắt díp lại mà vẫn phải ngồi làm việc, tôi lại nghĩ tại sao thân phải làm tội đời như vậy?. Nhưng rồi tưởng tượng đến ngày được đặt chân đến nước Mỹ, được theo đuổi đam mê của mình, tôi lại quên hết cả mệt mỏi và những cơn buồn ngủ để 6 tháng ròng rã học GRE, viết bài luận, liên hệ với trường :). Ngày nhận được kết quả tim tôi như vỡ oà sung sướng, cuối cùng tôi đã làm được. Có một em gái hỏi tôi “chị làm thế nào mà đi làm về vẫn chuẩn bị hồ sơ được,? Tối về em buồn ngủ lắm nên không thể làm gì được”. Nhắn nhủ đến em: Hãy tưởng tượng giờ này một năm sau em đang ở đất nước ấy, em đang đi giữa những con người, cảnh vật xa lạ đang chờ em khám phá, tưởng tưởng đến cảm giác khi em chạm tay vào giấc mơ ấp ủ bấy lâu, rồi EM SẼ TÌM CÁCH ĐỂ LÀM ĐƯỢC!
Tôi biết mấy năm tới con đường sẽ nhiều chông gai, nhưng cứ đi rồi sẽ đến!
Chả hiểu sao khi viết bài này tôi lại nghĩ đến phim La La Land có lẽ vì tôi thấy đồng cảm. Đời ngắn lắm, hãy cứ ước mơ, hãy cứ theo đuổi cái gì con tim mình muốn mặc cho người ta cho rằng bạn không có năng lực, người ta khuyên bạn nên làm những thứ mà họ cho là đúng, người ta tìm cách hạ thấp bạn và ngay cả khi xã hội quay lưng với bạn. Dù sao hãy cứ ước mơ!
Xin kết bài bằng ca khúc mà tôi rất thích TheFoolsWhoDream trong phim La La Land
P/S: Mình sẽ viết một bài chia sẻ cụ thể hơn về việc viết luận (những điều nên làm và nên tránh) trong một bài khác.