Du học Mỹ: Có nên chọn trường chỉ vì thứ hạng cao?

Trong quá trình chọn trường du học ở Mỹ, nhiều bậc phụ huynh, học sinh hay nhìn thứ hạng của các trường đại học nhưng lại bỏ qua điều kiện môi trường ấy có hợp với mình hay không.

Các diễn giả giàu kinh nghiệm ở tọa đàm “Bí quyết xây dựng một bộ hồ sơ bất bại vào đại học Mỹ” do APUS tổ chức tại Hà Nội mới đây đã khẳng định đừng bao giờ chọn trường du học Mỹ chỉ vì thứ hạng cao.

Chọn trường phù hợp với bản thân

Chị Trần Thị Ngọc Hân – tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Bates (Hoa Kỳ), hiện đang hoạt động tại lĩnh vực đào tạo cho rằng, phần khó khăn nhất khi chuẩn bị nộp hồ sơ du học là biết được mình muốn làm gì, theo học ngành gì, muốn cuộc sống ở trường đó như thế nào.

“Mỗi trường ở Mỹ có một nền văn hóa riêng và đôi khi, họ chọn học sinh theo văn hóa của trường đó. Họ tin rằng mỗi sinh viên đều rất tốt nhưng cần đặt vào môi trường chăm sóc tốt để phát triển bản thân toàn diện.

Khi chọn trường phù hợp rồi mình xây dựng hồ sơ của mình thể hiện được chính xác con người của mình thì sẽ dẫn đến tỉ lệ nhận cao hơn”, chị Hân chia sẻ.

Du học Mỹ: Có nên chọn trường chỉ vì thứ hạng cao? - 1
Các vị diễn giả trong buổi tọa đàm (từ phải qua trái: chị Trần Thị Ngọc Hân, anh Hàn Huy Dũng và chị Trần Hương Ly)

Anh Hàn Huy Dũng – tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Điện và Máy tính tại Đại học California, Davis, hiện đang là Giảng viên tại một trường đại học ở Hà Nội chia sẻ: “Lúc đầu tôi học thạc sĩ ở Đức và thời tiết ở đó rất lạnh. Vấn đề đó cũng ảnh hưởng đến việc chọn trường học tiến sĩ của tôi. Tôi muốn chọn một nơi nó mát mẻ.

Điều kiện sống của mình là mình phải chọn chứ không chọn chỉ theo thứ hạng. Chọn trường theo học cũng chính là chọn môi trường sống phù hợp”.

Chị Trần Hương Ly – đang theo học chương trình thạc sĩ về Định phí bảo hiểm (Actuarial Science) của Đại học Columbia (Mỹ) chia sẻ rằng ngành học của mình rất phát triển ở Mỹ và một số quốc gia khác.

Tất cả cũng lại xoay về câu trả lời cho câu nói: “Hiểu bản thân mình muốn gì, trong tương lai mình sẽ làm gì và sau ra làm nghề gì, rồi từ đó chọn trường và chọn ngành”.

Nói về bài luận cá nhân, chị Hân kể lại: “Tôi từng nộp hồ sơ du học cả thạc sĩ và đại học. Hơn nữa, tôi có một đam mê là tham gia các hoạt động cộng đồng, hoạt động liên quan đến ngoại giao và trao đổi sinh viên quốc tế.

Bài luận thạc sĩ và đại học của tôi không quá khác nhau. Bài luận nói về sự chia sẻ giữa 3 thế hệ từ đó đề cập đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như thế nào, ảnh hưởng của cuộc kháng chiến chống Mỹ giờ ra sao.

Ngoài ra, tôi cũng mong muốn trở thành cầu nối ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam, Việt Nam và trên thế giới đồng thời bộc lộ niềm khát khao muốn tìm hiểu và học hỏi bền bỉ suốt đời vượt qua giới hạn”.

Thích nghi với môi trường Mỹ

Trưởng thành và phát triển bản thân nhờ vào sự giáo dục của nước Mỹ, các diễn giả đã rút ra những thông điệp với các vị phụ huynh.

Đầu tiên, mỗi người cần biết điểm mạnh của bản thân, tập trung vào điểm mạnh, hiểu được đam mê của bản thân và xây dựng hồ sơ xoay quanh lĩnh vực đó.

Thứ hai, đối với các vị phụ huynh hãy cố gắng tạo ra một môi trường như ở Mỹ để con tự lập sớm, cơ hội thành công tăng.

Thứ ba, chia các trường đại học mình thích hoặc đang tìm hiểu thành 3 nhóm: Nhóm trường dưới khả năng, nhóm trường phù hợp và nhóm trưởng cao hơn khả năng của mình.

Có những bạn chỉ dám nộp những trường dưới tầm với hoặc phù hợp mà bỏ qua cao hơn khả năng của mình vì nghĩ rằng những trường cao sẽ không được nhận vào.

“Khi nộp hồ sơ du học vào Đại học Columbia, tôi nghĩ mình chỉ được 60% thành công thôi. Trường có hai đợt nộp là vào tháng 12 và tháng 1. Tôi cố gắng xong sớm để nộp ngay đợt đầu tiên. Nhưng không ai ngờ là tôi đã vượt qua để được nhận vào trường học.

Trong lúc học nghĩ rằng những bạn học cùng rất cao siêu nhưng chẳng mất nhiều thời gian, tôi đã đuổi kịp họ về thành tích. Vì thế, nên chọn một số trường cao tầm với để tăng cơ hội cho mình”, chị Ly chia sẻ.

Du học Mỹ: Có nên chọn trường chỉ vì thứ hạng cao? - 2
Khán giả đặt câu hỏi cho các vị diễn giả về hồ sơ du học

Với câu hỏi của khán giả về bộc lộ đam mê sớm giúp ích như thế nào cho quá trình nộp hồ sơ du học Mỹ, chị Hân cho rằng, khi mình có đam mê cụ thể thì các trường cũng rất thích.

Ngoài ra khi nộp hồ sơ, yếu tố phù hợp rất quan trọng. Nhiều khi mình nghĩ thành tích tốt như thế này thì các trường top lại không nhận mình.

Nhưng họ không nhận mình nhiều lúc không phải do mình kém mà là do môi trường ấy không phù hợp với mình. Tiêu chí chọn sinh viên của Mỹ rất khác biệt.

Theo Dân trí