Gặp mặt thành viên Ban tuyển sinh của Harvard – Một số điều áp dụng cho bộ hồ sơ

Nói “Ban tuyển sinh” (Admissions officer) thì nghe to tát lắm nhưng đây là cô đã đọc đơn tuyển sinh của mình và có gửi cho mình thư tay nho nhỏ trong gói thư báo nhận (acceptance letter) của Harvard. Trong đó có danh thiếp kèm dòng chữ phía sau: “Hope to meet you at Visitas!” Vậy nên mình quyết định thể nào qua đây cũng phải gặp cô.
Thế là mình vừa gặp cô xong và sẵn có nhiều bạn băn khoăn về cách thể hiện bộ hồ sơ nộp du học Mỹ, mình xin trích dẫn một số điều ấn tượng từ buổi trò chuyện ngắn giữa mình và cô. Đó là những sự thật về quá trình tuyển sinh từ chính thành viên ban tuyển sinh kèm một số suy nghĩ từ cá nhân của mình.
Sơ sơ về ngữ cảnh cuộc trò chuyện: Đây là một cuộc trò chuyện như giữa bạn bè với nhau. Gọi là “cô” nhưng nhìn cô rất trẻ trung, thân thiện và tươi tắn nên có thể gọi là chị luôn cũng không thấy kì. Cô hỏi mình về cuộc sống, lớp học và đôi lúc cũng “Ừ hồi đó học Đại học cô cũng abc/xyz…” Mình cũng không có ý định tìm hiểu quá sâu vào quá trình xét hồ sơ nên không hề hỏi câu nào về quá trình cả. Vậy nên những thông tin trong bài được “bật mí” rất tự nhiên trong cuộc trò chuyện.
Để tránh việc vô tình tạo nên “Công thức vào Harvard”, mình sẽ thay những chi tiết của hồ sơ mình bằng […].

1. “Tụi cô đọc các thành phần của đơn và tưởng tượng học sinh đó sẽ như thế nào khi vào trường.”

Sau khi nói câu này cô kể rất hào hứng:

“Giống như lúc đọc essay ngắn về hoạt động ngoại khóa của em, tôi tưởng tượng em vi vu trên xe máy và […]. Rồi cả những hoạt động ngoại khóa có thể thấy em là người có xu hướng […] nên sẽ […] ở campus”.

Và đúng là những gì mình thể hiện ở campus giống với điều cô dự đoán thật.
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên nếu mình kể hoạt động ngoại khóa (HDNK) mình viết trong supp essay về chủ đề nào. Nó chẳng phải là hoạt động gì to tát, vĩ đại. Nó chỉ là một hoạt động mình cảm thấy vui mỗi lần nghĩ đến và là một phần cuộc sống của mình. Mình viết nó với một cảm xúc dạt dào với những giác quan hiện rõ mồn một trong trí nhớ.
Danh sách động ngoại khóa cũng vậy. Lúc chọn HDNK, đơn giản mình tham gia vì vốn hở ra thấy cái gì cũng hay. Vậy nên mình cũng thử nghiệm nhiều hoạt động. Tuy nhiên, mình chỉ liệt kê những hoạt động mình muốn gắn bó lâu dài và ảnh hưởng tính cách và sự phát triển của mình. Giờ đọc lại list hoạt động, mình cảm thấy đúng là một phần con người mình ở đó chứ không ai khác. Lúc ướm thử mình vào cái “khuôn mẫu Harvard” mà mọi người hay nhắc đến, mình chả thấy khớp cho lắm.
Tuy vậy, thử tưởng tượng một ngôi trường mà ai cũng có tính cách giống ai xem. Thảo luận thì cũng chỉ nhiêu đó ý kiến, hoạt động CLB thì chắc phải chia số vì hứng thú cũng như nhau. Còn gì là một xã hội thu nhỏ nữa! Từ lúc vô Harvard, mình nghi ngờ cái gọi là “công thức” để vào đây. Vì rõ ràng, mình gặp các bạn, anh chị rất đa dạng về tính cách lẫn xuất thân.
Mình nghĩ, ban tuyển sinh không có một cái khuôn để lọc sinh viên (như chúng tôi chỉ tuyển những mảnh ghép màu đỏ) mà ướm các mảnh ghép vào bức tranh đa sắc (và cần sự đa sắc) để cân nhắc xem đây có phải mảnh ghép bức tranh đó cần hay không. Vậy nên, cứ là mảnh ghép đúng màu sắc của bạn và đừng cố gồng mình theo khuôn khổ (do thiên hạ đồn đoán(*)) nào cả.
(*): Dĩ nhiên là các trường sẽ có các ý đồ cho bức tranh của mình nên cũng có tồn tại cái “khuôn” ngầm nào đó ;”) Nhưng thông tin các bạn nhận được đều là không chính thống cả vì không có một công thức chính thống nào (trừ các thống kê về điểm sốchuẩn hóa, xếp hạng trong trường, quốc tịch,… của học sinh).

2. “Sau hàng tháng trời đọc và bàn luận về các bộ hồ sơ, tụi cô nhớ được những tính cách, những cái “cool” của các bạn. Giống như đối với em là […] Nhiều khi nhắc tới chi tiết nào là cô có thể nhận ra “Ồ mình từng đọc qua bộ hồ sơ này.” Bật mí là với trí nhớ tuyệt vời, cô trưởng ban tuyển sinh cho hs quốc tế nhớ được hết từng bạn được nhận luôn.”

Mình thấy, ban tuyển sinh (ít ra là ở Harvard hay ít hơn nữa là cô mình gặp) cũng là những con người chứ không phải những máy lọc. Họ cố gắng tạo liên kết con người – con người và đồng cảm với những câu chuyện các bạn kể và từng chi tiết nhỏ trong bộ hồ sơ của bạn.
Bỗng dưng mình nghĩ, nếu vậy thì khi kể câu chuyện trong bài luận chính hoặc phụ, các bạn hãy thử tưởng tượng một con người thân thiện nhẹ nhàng ngồi xuống bên bạn, tươi cười: “Nào, tôi cảm thấy em là người thú vị đó, hãy kể thêm về cuộc sống của em đi.” Vậy thì, bạn sẽ kể câu chuyện gì?
Nguồn: FB Lien TD Tran