National Universities? Liberal Arts Colleges? Và các loại trường khác… (Phần 2)

National Universities? Liberal Arts Colleges? Và các loại trường khác… (Phần 2)

Trong phần 2, tư vấn APUS sẽ đề cập đến sự khác nhau giữa hai nhóm trường ở một số khía cạnh khác.

NHÂN TỐ KHÁC

Vị trí

NU: có vị trị tùy vùng. Có vùng thì nằm ở ngay trung tâm thành phố (urban) hoặc cận trung tâm (Harvard, UPenn, Columbia, MIT, TCU, UCLA…) hoặc cũng có trường nằm ở một vùng xa mà hầu như chỉ có trường và các hàng quán cơ sở mở ra phục vụ cho sinh viên các trường—còn gọi là College Town (Texas A&M, UC Davis, UMass Amherst, Indiana University, Purdue…) Mức độ tiện nghi, trang bị của trường, và an toàn đời sống khu vực tại các NU rất đa dạng và tùy theo trường mà có thể ở mức rất thấp hoặc rất cao. Mức sống cũng từ rất đắt tại các thành phố lớn Boston hay New York cho đến rất rẻ tại các college town ở bang nhỏ. Sinh viên tại NU thường sống ngoài ký túc xá trong những năm sau và có nếp sinh hoạt đa dạng về hoạt động giải trí cũng như giờ giấc.

LAC: thường có vị trí suburban (gần một thành phố) hoặc rural (nơi nông thôn) hoặc ở college town. Ít trường LAC có vị trí trung tâm hoặc gần trung tâm thành phố. Đa số LAC có campus rất đẹp và tiện nghi hơn so với NU. Đời sống an bình và khá an toàn. Mức sống tại đa số các LAC nằm ở mức trung bình-cao, ít sinh viên sống ngoài ký túc xa hơn, và nếp sinh hoạt thường quy chuẩn hơn vì LAC chuẩn hóa chất lượng sống cho sinh viên đồng đều.

RU và RC: đa số thường ở suburban hoăc urban nhưng ở các thành phố quy mô nhỏ hơn. RU và RC thường có có sở vật chất tiện nghi nằm ở giữa mức trung bình của LAC và NU. Các trường RU và RC đa số là cân đối và khá an toàn. Khác với Việt Nam phân hóa nông thôn và thành thị rõ nét; tai Mỹ thì các thành phố quy mô vừa-nhỏ vẫn có hệ sinh thái doanh nghiệp đa dạng và môi trường làm việc/nghiên cứu tuy quy mô nhỏ nhưng vẫn rất tiến bộ và chuyên nghiệp về cả học thuật, công nghệ, lẫn thái độ; không thua kém so với các thành phố trọng điểm như New York, Boston, Los Angeles…

Thương hiệu

NU: các trường top đầu của NU là thương hiệu mang tính quốc gia và quốc tế do vậy được nhiều người biết đến ở khắp các nước. Tuy nhiên thương hiệu NU cũng mang tính khoa/ngành nhiều. Ví dụ trường Georgia Tech có thương hiệu rất cao về các ngành khoa học nhưng ở mức khá về kinh doanh và các ngành xã hội thì lại ở mức trung bình. Hoặc University of Washington có ngành khoa học máy tính hàng đầu thế giới nhưng các ngành khác chỉ ở mức trung bình-khá. Đối với đại đa số các công việc phổ biến và với nhu cầu làm việc quốc tế thì NU là chuẩn mực cho nhiều đối tượng sinh viên khi chọn đúng trường và ngành phù hơp.

LAC: các trường LAC trong top đầu tuy không nổi tiếng diện rộng như các trường NU tương ứng nhưng luôn có thương hiệu rất mạnh trong lĩnh vực và khu vực nhất định. Ví dụ nhóm các trường LAC hàng đầu ở khu vực Đông Bắc luôn rất có uy tín (sinh viên tốt nghiệp thậm chí được săn đón hơn cả nhóm trường Ivy League ở NU) trong các công ty tư vấn đầu tư và nghiệp vụ mậu dịch tại Phố Wall ở Mỹ hoặc thị trường tại chính Luân Đôn, Anh. Còn nhóm LAC hàng đầu ở khu vực bờ Tây (nhóm trường Claremont: tiêu biểu như McKenna, Harvey Mudd, Pomona…) thì rất được đánh giá cao tại Silicon Valley và các công ty công nghệ cao tầm cỡ quốc tế ở Hàn Quốc. Tóm lại thương hiệu của LACs thường được trân trọng trong giới tinh hoa và những chuyên gia tuyển dụng, hơn là ở truyền thông đại chúng. Ngành học không quá quan trọng với thương hiệu chung của một LAC như là ở NU.

RU và RC: các trường RU và RC có thương hiệu mạnh trong từng vùng nhất định. Thường ở thành phố hoặc bang nơi mà trường tọa lạc thì các trường này được đánh giá cao trong tất cả các ngành mà họ đào tạo. Chiến lược thường thấy của du học sinh tại RU/RC là tốt nghiệp và làm việc cho một văn phòng chi nhánh vùng của công ty lớn, sau đó xây dựng profile và chuyển đến các văn phòng tại đô thị trọng điểm nếu có nhu cầu và tham vọng.

Cơ Hội

NU: Vị trí của các trường NU khiến họ có nhiều hội thảo nghề nghiệp, các cuộc thi, tiếp xúc với truyền thông, các cơ hội nghiên cứu dự án cấp quốc gia… Tuy nhiên quan hệ của sinh viên với giáo sư lại khá hạn chế. Ở NU các cơ hội thường săn tìm được qua các hội sinh viên, các sự kiện… Do vậy sinh viên học tại NU thường phải quảng giao và kết nối được với nhiều người. Tấm bằng và các hoạt động tại NU mở ra rất nhiều cánh cửa cho sinh viên nhưng mỗi sinh viên phải chủ động chọn lọc và đi đến được cánh cửa đấy.

LAC: Cơ hội của các LACs nằm ở từng cá nhân. Nếu một học sinh có tính chủ động, tiếp xúc với giáo sư nhiều, và đưa ra nguyện vọng và tầm nhìn cùng kế hoạch cụ thể thì các giáo sư ở LAC hoàn toàn có thể tạo điều kiện và kết nối cho sinh viên đó đến những chuyên gia thích hợp. Do vậy LACs thường dành cho những học sinh có quyết tâm và có khả năng tạo và tiếp xúc sâu với một số ít người hướng dẫn để tận dụng ưu thế mối liên hệ thầy-trò ở LAC. LAC có ít cánh cửa cơ hội hơn nhưng sinh viên dễ tìm được một người kinh nghiệm để chỉ ra cánh cửa tốt nhất và dìu mình đến tận cửa.

Một điểm đặc trưng nữa của NU và LAC về mặt cơ hội đó là các LAC và NU ở gần nhau và có chất lượng không quá cách xa sẽ thường có chương trình đăng ký chéo (cross-registration) nghĩa là học sinh các trường NU/LAC gần nhau có thể đăng ký học tại trường còn lại mà không mất thêm chi phí gì đáng kể. Ví dụ sinh viên Harvard (NU) có thể học một số lớp tại MIT (NU), Bryn Mawr (LAC) có thể học tại UPenn (NU), Amherst (LAC) có thể học tại Hampshire (LAC) hoặc UMass (NU). Trong quá trình này học sinh có thể tân dụng cơ hội và các mối quan hệ của trường còn lại để khai thác cho bản thân mình tuy rằng mình chỉ là học sinh cross-registration chứ không phải học sinh chính thức. Ví dụ một tấm bằng ở Bryn Mawr nhưng có 10 lớp học tại UPenn và đạt điểm cao sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn 1 tấm bằng thuần Brywn Mawr, ngoài ra bạn sinh viên đã học 10 lớp tại UPenn có khả năng network với cả sinh viên Brywn Mawr lẫn UPenn.

RU và RC: bạn sẽ được nhiều cơ hội tiếp cận các nhà tuyển dụng và nhu cầu thực tiễn hơn. Các trường NU và LAC vẫn có nhiều cơ hội cho bạn tiếp cận các vấn đề của một thị trường hay một ngành từ sớm và rèn luyện kỹ năng để giải quyết nó nhưng nếu như các cơ hội của NU tập trung vào một tập thể hoặc ngành, còn LAC tập trung vào một cá nhân, thì RU/RC tập trung vào một sản phẩm và giải pháp cụ thể. Cơ hội của RU và RC nằm ở chỗ bạn hiểu được sớm hơn những nhà tuyển dụng cần gì và bạn đã được học các lớp học đo ni đóng giày cho các nhà tuyển dụng đó; điểm quan trọng là bạn có kỹ năng mềm và tâm lý sẵn sàng cần thiết để thuyết phục họ hay không?

Tài chính

NU: các trường NU thường có học phí ở mức cao-khá cao và số lượng merit-based scholarship (học bổng dựa trên học lực) nhiều hơn so với need-based financial aid (hỗ trợ tài chính dựa trên khả năng tài chính của gia đình học sinh.) Và nhiều trường NU tuyển sinh trên cơ chế need-aware nghĩa là khi đánh giá học sinh họ có đánh giá cả khả năng tài chính (hai học sinh tương đương thì một em có thể đóng $50,000 usd/năm sẽ đánh giá cao hơn em chỉ có thể đóng $20,000.) Do vậy nhìn chung thì NU là nhóm trường mà ưu thế thuộc về học sinh có khả năng tài chính tốt. Các học sinh có điều kiện kinh tế thấp nộp đơn vào NU cần thận trọng trường hợp khi được nhận nhưng không được cấp đủ học bổng và hỗ trợ tài chính để theo học. Các trường NU—đặc biệt là NU thuộc hệ public (công lập)–thì việc trao học bổng dựa nhiều hơn vào điểm số (GPA) và điểm thi chuẩn hóa, thành tích quốc tế, hoặc tiềm năng trong 1 ngành học.

LAC: các trường LAC thường có học phí ở mức cao tuy nhiên số lượng scholarship và financial aid đều dồi dào hơn so với NU. Đặc biệt là dù need-aware hay không thì LAC cũng ít quan tâm đến khả năng tài chính của hoc sinh hơn là NU (nhấn mạnh: không phải không quan tâm mà là ít quan tâm hơn so với NU.) Một số đáng kể LAC tập trung cho financial aid nhiều hơn là scholarship. Do vậy LAC là nhóm trường mà học sinh có khả năng tài chính thấp ít bị bất lợi hơn. Thế nên dù học sinh rất giỏi nhưng nếu gia đình có điều kiện kinh tế cao nộp đơn vào nhóm LAC cần thận trọng trường hợp được nhận nhưng vẫn phải đóng học phí cao. Các trườn LAC thì trao hỗ trợ tài chính thường dựa nhiều hơn vào tư chất cá nhân và tính phù hợp (fit) của sinh viên với môi trường văn hóa của trường.

RU và RC: để thu hút học sinh nên RU và RC thường có học phí ở mức thấp hơn so với NU/LAC và đi kèm đó là học bổng cũng ít hơn. RU và RC ít có các học bổng toàn phần full-ride (bao gồm gần như trọn vẹn học phí và ăn ở) mà đa phần là học bổng bán phần. Với các học sinh có học lực khá-tốt và điều kiện kinh tế ở mức trung bình so với mặt bằng chung của du học sinh Mỹ thì các trường RU và RC là một lựa chọn ít rủi ro và có giá trị (best value) cho nhiều gia đình.

Lưu ý: Độc giả lưu ý các nhận xét chỉ mang tính tương đối, đúng với đa số các trường và phần nhiều lớp trong trường. Nhưng không phải luôn luôn đúng. Ví dụ không phải NU nào cũng thuần chấm điểm Bell Curve và có các lớp lớn. Cũng không phải LAC nào cũng không có các lớp này. Đôi khi có những trường ngược lại với xu hướng chung. Cũng không phải RU/RC nào cũng có lớp học mang tính thực tiễn cao và theo nhu cầu địa phương; có những RU/RC do tổ chức tôn giáo hay đoàn thể địa phương lập ra thì có thể phục vụ mục đích sư phạm và chương trình giáo dục theo hướng khác.