Logo
(+84) 98 2028 888(+84) 98 5555 468
Đặt lịch tư vấn

Ô “chủng tộc” trong hồ sơ tuyển sinh

29th June, 2023

Không giống các đại học hàng đầu trên thế giới, đại học ở Mỹ không đơn thuần chọn sinh viên xuất sắc nhất mà cân đối cả từ hoạt động ngoại khóa, tài sản gia đình đến sắc tộc. Yếu tố cuối này được cho là không công bằng, và điều này có thể sẽ thay đổi.

Vấn đề lịch sử
Hiệu trưởng Abbott Lawrence Lowell của ĐH Harvard giai đoạn 1909 – 1933 luôn bức xúc một điều: trường của ông có quá nhiều dân Do Thái. Trong năm đầu ông làm hiệu trưởng, sinh viên Do Thái chiếm 10% và tới năm 1922, số này đã tăng hơn gấp đôi.

Để giải quyết “vấn đề Do Thái”, Lowell đề xuất quota (“hạn ngạch”) cứng với nhóm sinh viên này là 15%. Khi quota trở thành tranh cãi, ông đề xuất một luật mà nhìn bề ngoài có thể không thấy rõ mục tiêu chính đằng sau đó hòng từ chối những sinh viên bị cho là Do Thái.

Quá trình xét tuyển vào Harvard, trước đó dựa vào học vấn, trở nên mập mờ hơn – dựa rất nhiều vào “tố chất và độ phù hợp” của ứng viên. Cách tiếp cận mới “tổng thể” này đã thành công và giảm đáng kể số sinh viên Do Thái nhập học.

Giống ĐH Harvard, theo The Economist, nhiều trường ở Mỹ cũng có quy trình tuyển chọn “tổng thể” này. Tổ chức Sinh viên vì sự tuyển chọn công bằng (SFFA) của Edward Blum, một nhà hoạt động bảo thủ, đã kiện ĐH Harvard vì vấn đề này.

Tâm điểm của vụ kiện từ 2014 này là nhắm vào Chính sách đặc cách dành cho dân/sắc tộc thiểu số (affirmative action) đang được trường này áp dụng. Affirmative action từng là thắng lợi lớn cho học sinh da màu ở Mỹ từ những năm 1960, khi buộc các trường phải đảm bảo môi trường đa dạng học thuật và tạo cơ hội cho các sinh viên da đen và Latin có cơ hội nhiều hơn ở đại học. Nhưng theo SFFA, sinh viên gốc Á luôn thiệt thòi và bị phân biệt bởi chính sách này.

Hiện vụ kiện đã lên tới Tòa tối cao Mỹ, và phán quyết vụ kiện sẽ tác động rộng khắp tới hệ thống giáo dục Mỹ.

Ô chủng tộc trong hồ sơ tuyển sinh - Ảnh 2.

Biểu tình phản đối trước Tòa nhà Tòa án Tối cao Hoa Kỳ khi hai trường hợp thách thức affirmation act đang được tranh luận bên trong (31-10- 2022. (Ảnh: States Newsroom)

Cuộc chiến giữa những siêu sao dữ liệu
Tại tòa, bất chấp nhiều nỗ lực giấu cách thức xét tuyển, ĐH Harvard buộc phải công bố hơn 90.000 trang thông tin liên quan tới quy trình này. Tháng 6-2018, hai bên kiện đã đưa ra những cơ sở dữ liệu khác nhau về xét tuyển.

Từ dữ liệu của ĐH Harvard, sinh viên châu Á thường có điểm cao hơn nhiều sinh viên da trắng cả về học tập cũng như hoạt động ngoại khóa, nhưng tỉ lệ nhận vào của họ thấp hơn rất nhiều.

Với sinh viên gốc Á trong tốp đầu điểm học tập, chỉ 13,4% được nhận vào so với 18,5% sinh viên da trắng. Sinh viên gốc Á bị chấm điểm rất thấp về “tố chất cá nhân” (chấm bởi văn phòng tuyển dụng). Không giống hai chỉ số kia, “tố chất cá nhân” mang tính chủ quan của người tuyển dụng (chưa gặp ứng viên bao giờ).

Khi phỏng vấn trực tiếp, cựu sinh viên Harvard đánh giá sinh viên gốc Á có chất lượng tương đương các sinh viên da trắng. Với SFFA, đây là dấu hiệu rõ của phân biệt đối xử.

SFFA thuê Peter Arcidiacono, nhà kinh tế từ Đại học Duke (một trường Ivy khác), đưa ra mô hình tính toán về chỉ số sắc tộc được nhận vào. Ông ước tính một sinh viên gốc Á nam, không nghèo, đủ trình độ có tỉ lệ trúng tuyển là 25%. Tỉ lệ này tăng lên 36% nếu là da trắng, 77% nếu là sinh viên Latin và 95% nếu là da đen.

Tệ hại hơn cho ĐH Harvard là báo cáo nội bộ của họ cũng đưa ra kết luận tương tự. Lãnh đạo Harvard sau đó chống chế rằng báo cáo đó chưa hoàn chỉnh và các phân tích đơn giản hóa quá mọi chuyện.

Để chiến đấu với các con số, ĐH Harvard thuê David Card – nhà kinh tế nổi tiếng của ĐH Carlifornia Berkeley. Mô hình của Card dùng cả các yếu tố như chất lượng trường phổ thông, nghề nghiệp của cha mẹ và cả số liệu “tố chất cá nhân”. Theo mô hình này thì sinh viên gốc Á không thiệt thòi. Và trong cuộc đấu số thì hai nhà kinh tế nổi tiếng không thể thống nhất được đâu là công bằng.

Thách thức với Harvard
Cho tới giờ ĐH Harvard vẫn nói họ không dựa vào hệ thống quota nào về sắc tộc, điều sẽ vi phạm các phán quyết của Tòa tối cao Mỹ trước đó và tác động tới nguồn tiền trường này nhận từ liên bang. Nhưng tỉ lệ sinh viên gốc Á mà trường này nhận vẫn ở mức 20% suốt thập niên qua dù học sinh gốc Á tại trường phổ thông Mỹ tăng đáng kể.

Cùng thời gian này, tại ĐH CalTech (một trường nổi tiếng khác), lượng sinh viên gốc Á ở trường đã tăng đáng kể.

Theo The Economist, sắc tộc không phải chỉ là yếu tố duy nhất thiệt thòi cho sinh viên gốc Á. Những sinh viên “truyền thống” (có gia đình từng học ở đây) thường có khả năng được nhập học gấp 3-5 lần các sinh viên khác tại các trường tốp đầu. Nếu có bố hoặc mẹ học tại trường thì tỉ lệ đậu thậm chí tăng gấp 15 lần.

Hồ sơ của tòa cho thấy những sinh viên có người thân học tại Harvard thường có ưu thế trong xét tuyển – điều cho thấy sự so lệch của trường. Báo cáo nội bộ cho thấy 34% ứng viên có người thân từng học tại ĐH Harvard được nhận vào, cao gấp năm lần số sinh viên còn lại. Điều này cho thấy có sự ưu ái đặc biệt cho nhóm sinh viên da trắng giàu.

Peter Arcidiacono tính toán, khi bỏ yếu tố “truyền thống”, số sinh viên da trắng được tuyển sẽ giảm khoảng 4%, trong khi số sinh viên da đen, Latin và gốc Á sẽ tăng từ 4-5%. SFFA lập luận rằng nếu chỉ dựa vào kết quả học tập, 51% sinh viên Harvard sẽ là sinh viên gốc Á. Tỉ lệ sinh viên năm nhất 2021 – 2022 ở ĐH Harvard hiện là 53% da trắng và 24% gốc Á.

Các yếu tố phi học thuật khác cũng ảnh hưởng ở đây. Các vận động viên có cơ hội xét tuyển gấp bốn lần những người khác. Tính toán của Arcidiacono cho thấy nếu bỏ yếu tố thể thao sẽ giảm số sinh viên da trắng nhập học khoảng 6%, trong khi tăng số sinh viên Latin và châu Á từ 7-9% (43% số sinh viên da trắng được ưu ái vì là vận động viên, gia đình truyền thống hay con cháu các giáo viên so với 16% sinh viên da đen, Latin hay gốc Á. 75% số này đã bị bác tuyển nếu họ chỉ đơn thuần là da trắng và không có bất cứ “lợi thế” gì).

Bình luận của The Economist nói cách tuyển dụng này “khó có thể coi là dựa trên nhân tài, nhưng đó là cách tiếp cận tổng thể!”. Cách tiếp cận này có tác động rất nhiều nếu tính số lượng đơn xin ứng tuyển vào Harvard năm 2022 là 61.221 và trường chỉ nhận 1.984 sinh viên (tỉ lệ nhận 3,19%)

Di sản affirmative action
Michael Young, giáo sư luật tại ĐH Texas A&M, nói nếu Tòa tối cao Mỹ bác affirmative action thì tác động sẽ rất lớn. “Chính sách này có trong rất nhiều chương trình tuyển dụng, các dự án của nhà nước, sở cảnh sát… và đã từng tranh cãi nhiều ở tòa. Phán quyết [bác chính sách này] sẽ khiến tất cả bị lật lại”.

Với các nhóm sắc tộc như da đen hay Mỹ Latin, việc bác bỏ affirmative action có thể sẽ đảo ngược quá trình “đa dạng hóa” mà nhiều trường đã thực hiện từ những năm 1960 tới nay. Với SFFA, việc đảo ngược này có thể sẽ giúp cho những sinh viên gốc Á có thêm nhiều cơ hội vào những trường Ivy như Harvard hay UNC.

Việc dùng quota cứng với yếu tố sắc tộc trong xét tuyển đã bị coi là vi hiến kể từ phán quyết 1978 của Tòa tối cao Mỹ. Kể từ đó, tòa thường xuyên phán quyết rằng sắc tộc có thể được xét với các yếu tố khác dựa trên “lợi ích cấp thiết” của trường để đảm bảo có nhóm sinh viên đa dạng được xét tuyển.

Các trường ngoài yếu tố sắc tộc sẽ xem xét kết quả học tập, quá trình ở phổ thông, hoạt động ngoại khóa, bài luận và thư giới thiệu. “Đặc biệt ở những trường cạnh tranh rất cao, như UNC và Harvard, trong nhóm những ứng viên rất chất lượng thì sắc tộc có thể là yếu tố sẽ giúp sinh viên được nhận” – Natasha Warikoo, giáo sư về nhân chủng học tại ĐH Tufts, nói.

Phiên điều trần kéo dài 5 tiếng hôm 31-10 tại Tòa tối cao Mỹ dường như cho thấy tòa với sáu thẩm phán bảo thủ lần này sẽ đi theo hướng nào. “Tôi đã nghe câu đa dạng khá nhiều lần, nhưng tôi vẫn không hiểu nó nghĩa là thế nào. Nó dường như có nghĩa là mọi thứ cho mọi người” – thẩm phán bảo thủ Clarence Thomas nói.

Các thẩm phán có quan điểm tự do thì bảo vệ affirmative action. Thẩm phán Ketanji Brown Jackson (có tham gia hỏi nhưng sẽ không tham gia bỏ phiếu vì bà từng học ở ĐH Harvard) nói việc cấm cách làm này sẽ gây tổn hại tới quyền tiếp cận bình đẳng được quy định trong hiến pháp cũng như Tu chính án 14.

Phán quyết với hai vụ hiện tại dự kiến sẽ được đưa ra vào giữa năm 2023 và có thể đi theo nhiều hướng khác nhau, trong đó có thể sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng sắc tộc là yếu tố trong việc xét tuyển.

Theo US News, việc cấm hoàn toàn có thể sẽ tác động nhất định tới sự đa dạng của số sinh viên xét tuyển. Một nghiên cứu năm 2020 tại 19 ĐH công từng cấm affirmative action từ những năm 1990 cho thấy tỉ lệ sinh viên da đen, Latin và người bản địa tại các trường này từ chỗ thấp hơn khoảng 11,2% so với tỉ lệ chung của bang đã thấp hơn 13,9% ngay sau lệnh cấm và 14,3% vào năm 2015.■

Dư luận Mỹ không hoàn toàn ủng hộ chính sách này. Một điều tra năm 2019 của Pew cho thấy 73% người được hỏi nói các trường không nên xem xét sắc tộc trong quá trình xét tuyển. Điều tra năm 2022 cho thấy con số này là 74%. Một số chỉ trích rằng việc xem xét sắc tộc trong quá trình xét tuyển thì bản chất cũng đã là phân biệt sắc tộc.

Affirmative action hiện đang bị cấm tại các trường công ở khoảng 9 bang tại Mỹ, trong đó có California (cấm từ 25 năm trước). Để đảm bảo độ đa dạng ở các trường, một số nơi đặt một mức cố định trên 10% cho các sinh viên sắc tộc khác.

Nguồn: báo Tuổi trẻ

Đăng ký nhận tin

Liên hệ

Tầng 16, Tòa nhà 54A Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

(+84) 98 2028 888

(+84) 98 5555 468

info@apusvietnam.com

© 2015 APUS Vietnam. All right reserved

FaceBookFaceBookYouTubeInstagramTikTokZalo
Đặt lịch tư vấn