legacy admission amherst

Amherst College: Huỷ bỏ quy chế “cộng điểm” tuyển sinh cho con cháu cựu sinh viên

Legacy admissions tạm hiểu là quy chế “cộng điểm” khi nộp hồ sơ cho học sinh có bố mẹ từng theo học hay còn gọi là alumni của trường. Một thế kỷ trước, số lượng sinh viên Do thái và Công giáo ứng tuyển vào các trường học ngày càng tăng. Nhiều người cho rằng quy chế “Legacy admissions” ra đời để bảo vệ tầng lớp thượng lưu và đa phần là người da trắng để giúp con cái họ không phải di chuyển đến nơi khác học tập. 

Tại Mỹ hiện nay, khá nhiều trường đại học áp dụng quy chế này vào quy trình tuyển sinh. Vấn đề được đặt ra là, với quy chế tuyển sinh ưu tiên những sinh viên được đặc quyền bởi hoàn cảnh và gia thế, làm sao các trường có thể tự hào khi tuyên bố rằng tất cả sinh viên của họ đều là những người ưu tú nhất?  

Đại học Amherst (Amherst College) là ngôi trường đại học khai phóng danh tiếng tại Mỹ nhận ra sự mâu thuẫn của quy chế tuyển sinh này qua nhiều năm, nên vừa ra quyết định không tiếp tục nhận học sinh khóa mới là con cái của các cựu sinh viên trước đây. 

“Bây giờ là lúc thích hợp để kết thúc một quy chế mang tính lịch sử này. Quy chế này đã vô tình hạn chế cơ hội giáo dục của nhiều người, và chỉ rộng mở với những ai có cha mẹ may mắn được tốt nghiệp đại học” – Chủ tịch Amherst College, ông Biddy Martin phát biểu. 

Những năm gần đây, có khoảng 11% sinh viên được nhận vào Amherst là con của những người đã tốt nghiệp từ trường. Các cơ quan tuyển sinh cho biết việc loại bỏ Legacy Admissions này sẽ giúp hệ thống tuyển sinh trở nên công bằng và đa dạng hơn.

Trên thực tế, một số các trường khác cũng đã tiến hành cân nhắc huỷ bỏ đặc quyền nhập học kế thừa, số lượng này ngày càng tăng. Trong năm vừa qua, Đại học Johns Hopkins đã bãi bỏ quy chế này dù không công bố rộng rãi. Tại Colorado, đặc quyền này cũng được gỡ bỏ tại các trường đại học, cao đẳng công lập trong bang. 

Riêng MIT, trường này chưa bao giờ áp dụng quy chế tuyển sinh kiểu này. Một cán bộ tuyển sinh MIT thẳng thừng đề cập trong một bài blog vào năm 2012 rằng: “Nếu bạn vào được MIT, chỉ đơn giản là bạn vào được MIT.” 

Dù cho nhiều trường đang tiếp tục loại bỏ đi quy chế này, vẫn có 48% các trường khác cân nhắc giữ Legal Admission để ưu tiên hơn cho con cháu các cựu sinh viên trong quy trình tuyển sinh. Những người ủng hộ quy chế này cho rằng nó giúp duy trì các nguồn tài trợ từ alumni và từ đó, tăng số lượng học bổng cho các em ở hoàn cảnh khó khăn hơn. Nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng, rất ít hoặc thậm chí không có mối liên kết nào giữa việc gây quỹ từ các cựu sinh viên và đặc quyền nhập học kế thừa này. 

Một nghiên cứu liên quan đến vụ kiện về Harvard cho thấy, trong sáu chu kỳ tuyển sinh, những ứng viên được hưởng quy chế Legal Admissions có cơ hội được nhận vào học vào trường này là 30%, trong khi tỷ lệ nhận học của Harvard chỉ khoảng 5%. Việc lựa chọn học viên dựa trên hoàn cảnh, nơi sinh của họ chắc chắn sẽ khiến những ai có hoàn cảnh gia đình kém may mắn hơn bị lép vế, tước đi quyền lợi vốn có của họ.

Một nhóm sinh viên vừa tốt nghiệp từ Amherst đang kêu gọi các thế hệ alumni giữ lại các khoản đóng góp, nỗ lực chấm dứt việc nhập học kế thừa từ gia đình. Không rõ nỗ lực đó có tác động gì đến quyết định của alumni của Amherst hay không, nhưng hy vọng rằng các trường Đại học khác có thể nên cân nhắc gỡ bỏ các quy chế gây tranh cãi như vậy.